CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA ĐỨC CỐ HỒNG Y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN
LỜI ĐẦU
Trước khi đi sâu vào phần học hỏi về đời sống linh đạo – con đường nên thánh của Tôi Tớ Chúa, Bậc Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của đời sống linh đạo của người Kitô Hữu. Vậy, đời sống linh đạo – con đường nên thánh là gì?
Thứ nhất, đời sống linh đạo còn được gọi là con đường tâm linh, hướng dẫn đến đời sống nên thánh của người Kitô Hữu. Đời sống linh đạo bao hàm ý nghĩa của đời sống tâm linh như là hơi thở của linh hồn, là sức sống của Chúa Thánh Thần, là năng lực thực thi niềm tin với lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Bằng ân sủng của đời sống bí tích, nuôi dưỡng tâm linh bằng Lời Chúa, bằng Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, song song với đời sống cầu nguyện, người Kitô Hữu được mời gọi sống đích thực như là một chứng nhân của niềm tin và lòng mến. Xuyên qua những lời giáo huấn của Giáo Hội là Mẹ Rất Thánh cùng với lòng ước muốn sống kết hợp với Thiên Chúa là nguồn Sự Sống Thật, người Kitô Hữu – trong mọi hoàn cảnh và tùy theo từng ơn gọi – sống và thực thi các nhân đức của đức tin mà mỗi người đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội để sinh hoa kết trái và kết hợp nên một trong Thiên Chúa Hằng Sống giữa trần gian.
Thứ hai, đời sống linh đạo là sự đúc kết của những kinh nghiệm sống, các nỗ lực để áp dụng các yếu tố có liên quan của Đức Tin Kitô Giáo hướng dẫn mỗi người Kitô Hữu đối với sự phát triển tâm linh của họ. Sự phát triển tâm linh của từng cá nhân được thăng hoa để nẩy sinh một cái nhìn sâu sắc và được tăng trưởng với niềm vui tương ứng. Nói cách khác, đời sống linh đạo - với những cảm nghiệm về Thiên Chúa và với sự tăng trưởng của ý thức trong cuộc sống – được phát sinh từ một tổng hợp của đức tin và đời sống sáng tạo với những giá trị đức tin, những yếu tố năng động, để khi đối diện với những thử thách của ước muốn thì cũng đồng thời giúp từng cá nhân xác định được lòng ao ước sống Đức Tin Kitô Giáo đích thực với tinh thần trách nhiệm một cách hiệu quả, và trưởng thành hơn.
Thứ ba, đời sống linh đạo liên quan đến toàn thể con người (cơ thể, tâm trí, linh hồn, mối quan hệ), toàn bộ cơ cấu của cuộc sống của con người (đức tin và các giá trị của Tin Mừng) một cách sống động để cung cấp cho cuộc sống một sự tăng trưởng, phát triển, trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và tha nhân. Tựu chung, đời sống linh đạo của người Kitô Hữu là nhiệm vụ giúp con người có một cuộc sống trưởng thành và đáng tin cậy, sống liên quan đến niềm tin và các giá trị của Kitô Giáo để dệt chúng thành các cơ cấu của cuộc sống để từ đó họ có một sức "sinh động" cung cấp "hơi thở" - "tinh thần" và "sức sống" cho cuộc sống vì “Người thánh là người tiếp tục Thánh Lễ suốt ngày” (Đường Hy Vọng, số 350).
1/- Linh Đạo Kitô Hữu
Khi suy niệm về Linh Đạo của người Kitô Hữu là chúng ta tìm hiểu về “con đường sống đạo” hoặc “phương pháp thực thi, sống đức tin” trong đời sống thường nhật của người Kitô Hữu. Trong đời sống hiện nay, giữa những chủ thuyết và những trào lưu thực dụng của xã hội, hơn bao giờ hết, nguời Kitô Hữu phải đối diện với rất nhiều thử thách và rất cần được tái xác định lại giá trị của con đường “sống và thực thi đức tin” một cách trưởng thành hơn dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và tác động của Lời Chúa (Tin Mừng), tham dự và nuôi sống chính mình bằng Mình và Máu Chúa Giêsu trong và qua Bí Tích Thánh Thể, siêng năng lãnh nhận Bí Tích Giải Tội, thực thi các nhân đức bác ái với lòng mến chân thành cũng như vâng phục những Giáo Huấn của Chúa Giêsu Kitô qua những lời giáo huấn của Giáo Hội. Từ đó, tùy theo ơn gọi và bậc sống của mỗi người, chúng ta sống đúng với niềm tin, lớn lên trong tình mến chân thành, bước đi trên con đường nên thánh để trở nên giống Chúa mỗi ngày mỗi hơn. Theo tôi, đời sống bí tích của người Kitô Hữu chỉ được trưởng thành và sinh nhiều hoa trái ân sủng khi được thông phần và sống trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã xác tín: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Gioan 14:6).
Nhiều người công giáo nghĩ rằng đi nhà thờ, xem lễ, đọc kinh, làm tuần cửu nhật là chu toàn phận sự một người công giáo tốt. Nhưng con đường sống đạo và hành đạo lại tùy thuộc và dành cho những kẻ thực hiện Thánh Ý Chúa Cha: “Ta đói các con đã cho ăn; Ta khát các con đã cho uống; Ta lữ hành các con đã đón nhận; Ta rách rưới các con đã cho áo mặc; Ta yếu liệt các con đã viếng thăm; Ta ở tù các con đã đến với Ta …” Mỗi khi người công giáo lãng quên bổn phận đối với đồng loại, tức quên bổn phận với Chúa, và làm như thế là nguy hại cho phần rỗi của mình. Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế Mục Vụ, đoạn 43, đã xác định như sau: “Tách rời Đức Tin và sinh hoạt nhân loại hằng ngày của nhiều người phải kể là một trong những sai lầm lớn của thời đại chúng ta. Chúng ta chớ dựng nên bức tường giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp hay xã hội với đời sống tôn giáo”. Trong tinh thần này, Đức Hồng Y Thuận đã khẳng định như sau: “Chúng ta hãy tỉnh thức để thức tỉnh kẻ khác. Nếu người Công Giáo không ý thức trách nhiệm của mình, nếu đời sống đạo của họ chỉ thu hẹp trong nhà thờ với vài việc đạo đức thì lầm lạc lắm” (P.X. Nguyễn Văn Thuận, Nhìn Việt Nam, Á Châu, Thế Giới Trong 33 Năm Làm Giám Mục, Tin Vui Media 2000, trang 98).
Giáo Hội, Mẹ Rất Thánh muốn cho giáo dân không tìm sự thánh thiện viễn vông nhưng phải hiểu đúng rằng “việc họ làm thường ngày ở công sở, ngoài thị trương, ngoài đồng áng đều là nối tiếp công việc của Đấng Tạo Thành, tham gia vào việc thực hiện chương trình Thiên Chúa trong lịch sử vì sứ điệp Kitô Giáo, thay vì làm cho con người dửng dưng trước những nhu cầu công ích của anh em đồng loại, thì trái lại, thúc đẩy con người coi đó là nhiệm vụ rất khẩn trương” (P.X. Nguyễn Văn Thuận, Nhìn Việt Nam, Á Châu, Thế Giới Trong 33 Năm Làm Giám Mục, Tin Vui Media 2000, trang 97).
Ngày nay, khi con người đang nỗ lực gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của chính mình, từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa, xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi nền tảng nhận thức và lương tâm trung thực của nhân loại, thì Giáo Hội của Mẹ Thánh Người vẫn trung kiên thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa cho muôn người. Chúng ta, hơn bao giờ hết, đang sống giữa những thời điểm với các sự việc rất hỗn tạp gây ra nhiều hoang mang cho tất cả mọi người nói chung và cho những người Kitô Hữu nói riêng. Trong muôn ngàn con đường và vạn lối đi, có những cơn mây mù phủ lấp con đường nên thánh, tạ ơn Chúa, chúng ta còn có những “Chứng Nhân Tin Mừng” giữa cuộc đời có nhiều phong ba. Một trong những nhân chứng này là Tôi Tớ Chúa, Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Con đường tâm linh, sống đạo và nên thánh của Ngài được khởi đi từ mơ ước một niềm hy vọng lớn:
“Tôi mơ ước một Giáo Hội là Cửa Thánh, mở rộng, bao gồm mọi người, đầy lòng từ bi và cảm thông mọi cơ cực, đau khổ của nhân loại, và tìm cách an ủi họ.
Tôi mơ ước một Giáo Hội là Lời Chúa, giơ Sách Tin Mừng ra bốn góc trời, trong một cử chỉ rao giảng, tuân phục lời Chúa, như một lời hứa của Giao Ước vĩnh cửu.
Tôi mơ ước một Giáo Hội là Bánh, Thánh Thể, muốn trở thành hồng ân và để cho mình được mọi người ăn, hầu cho thế giới được sự sống dồi dào.
Tôi mơ ước một Giáo Hội say mê Sự Hiệp Nhất như Chúa Giêsu mong muốn (cf. Gioan 17), như Đức Gioan Phaolô II, người mở Cửa Thánh, cầu nguyện trên ngưỡng cửa, cùng tiến lên với một Đức Tổng Giám Mục Chính Thống và Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo … và nhiều vị đại diện khác.
Tôi mơ ước một Giáo Hội Trên Đường Lữ Hành, Dân Thiên Chúa, theo sau Đức Giáo Hoàng mang thánh giá, tiến vào Đền Thờ Chúa, cầu nguyện và ca hát, hướng về Chúa Kitô Phục Sinh, là niềm hy vọng duy nhất; hướng về Mẹ Maria và tất cả các thánh …
Tôi mơ ước một Giáo Hội mang trong tâm hồn Lửa của Thánh Linh, và ở đâu có Thánh Linh, ở đó có tự do, và có đối thoại chân thành với thế giới, nhất là với giới trẻ, với những người nghèo, người sống ngoài lề … Giáo huấn xã hội của Hội Thánh, dụng cụ rao giảng Tin Mừng, hướng dẫn chúng ta trong việc nhận định những thay đổi trong xã hội ngày nay.
Tôi mơ ước một Giáo Hội là Chứng Nhân Của Hy Vọng Và Tình Thương, bằng những hành động cụ thể, như khi chúng ta thấy Đức Giáo Hoàng tiếp nhận tất cả mọi người … trong ơn thánh của Chúa Giêsu Kitô, tình thương của Chúa Cha và sự hiệp thong của Thánh Thần được sống trong kinh nguyện và trong sự khiêm tốn. Vui mừng và hy vọng dường nào!” (P.X. Nguyễn Văn Thuận, Nhìn Việt Nam, Á Châu, Thế Giới Trong 33 Năm Làm Giám Mục, Tin Vui Media 2000, trang 175-176).
Từ một ước mơ lớn của Ngài, tôi xin chia sẻ những suy niệm cá nhân của tôi khi tìm hiểu về “Linh Đạo - Con Đường Nên Thánh” của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận xuyên qua những tác phẩm, qua những buổi thuyết trình của Ngài để lại để giúp tôi cầu nguyện và học hỏi về đời sống “chứng nhân của sự vui mừng và niềm hy vọng”. Trong tác phẩm, Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, của ĐHY Thuận, trình bày về lương thực thiêng liêng của Ngài, tôi cũng tin rằng đời sống linh đạo của Ngài cũng được thiết lập trên căn bản “đong đầy yêu thương”, vì thế, tôi xin chia sẻ “Đời Sống Linh Đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận” trong những đề mục sau đây:
Chiếc Bánh thứ Nhất: Sống Trọn Vẹn Giây Phút Hiện Tại;
Chiếc Bánh Thứ Hai: Phân Biệt Giữa Chọn Chúa và Việc Của Chúa;
Chiếc Bánh Thứ Ba: Sống Cầu Nguyện – Kết Hợp Mật Thiết Với Lời Chúa;
Chiếc Bánh Thứ Tư: Gắn Bó và Nuôi Dưỡng Bằng Bí Tích Thánh Thể;
Chiếc Bánh Thứ Năm: Sống Yêu Thương Đến Hiệp Nhất;
Con Cá Thứ Nhất: Yêu Mến Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và
Con Cá Thứ Hai: Tôi Chọn Chúa.
2/- Linh Đạo: Phương Châm Sống Đức Tin của Ơn Gọi
Theo tôi, Thánh Lễ Tấn Phong Giám Mục Nha Trang của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với khẩu hiệu “VUI MỪNG & HY VỌNG” (Gaudium et Spes) – một trong những Hiến Chế Mục Vụ quan trọng của Công Đồng Vatican II (1965) – đã trở nên phương châm sống đức tin của Ngài trong trách nhiệm của Vị Mục Tử – Giám Mục Giáo Phận Nha Trang – Tổng Giám Mục Phó Sài Gòn – 13 Năm Tù Nhân biệt giam - Chủ Tịch Thánh Bộ Công Lý và Hòa Bình. Tất cả đời sống nhân đức của Ngài – từ lúc còn bé thơ cho đến giây phút cuối đời tại dương thế – được kết trái với châm ngôn này: luôn luôn sống trong vui mừng và tràn đầy hy vọng nơi Thiên Chúa.
VUI MỪNG
"Thưa Thầy, chúng con thấy Satan từ trời sa xuống như sấm sét." "Chúng con hãy vui mừng vì tên chúng con được ghi trên trời", hơn là mừng vì làm phép lạ (Đường Hy Vọng, số 117).
“Song các ngươi chớ mừng vì ma quỷ phải lụy phục các ngươi, nhưng hãy vui mừng vì tên các ngươi đã được ghi ở trên trời” (Luca 10: 20). Vui mừng trong Chân Lý và Sự Thật. Vui mừng vì Đấng Cứu Tinh đã hạ sinh làm người (mầu nhiệm nhập thể) cho con người và sống giữa con người. Vui mừng vì Giêsu Con Thiên Chúa đã chết trên Thánh Giá làm giá cứu chuộc nhân loại khỏi chết muôn đời (mầu nhiệm cứu chuộc). Vui mừng vì Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết (mầu nhiệm phục sinh), là Thiên Chúa, là trưởng tử của đời sống mới (bí tích rửa tội). Vui mừng vì nhân loại được kêu gọi và nâng lên đời sống làm con cái Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha, alba! Sống tinh thần con cái Thiên Chúa không phải là ủy mị, thụ động, nhưng là một linh đạo: dễ dàng trong sự khó khăn, đơn sơ trong sự phức tạp, dịu dàng trong sự cương quyết, hùng dũng trong sự yếu đuối, khôn ngoan trong sự điên dại vì nếu các con không trở nên như trẻ thơ, các con không được vào Nước Trời. Tâm hồn trẻ thơ ở đây không phải là thơ ngây. Nhưng là yêu thương không giới hạn, phó thác cho cha mẹ tất cả; cha mẹ bảo gì, làm tất cả; theo cha mẹ, bỏ tất cả; tin tưởng cha mẹ hơn tất cả. Khi đã tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa thì chúng ta cần trưởng thành trong vui mừng, vì: “Con tốt, người ta nói xấu, con vẫn tốt. Con nghèo, người ta khen con giàu, con vẫn nghèo. Tại sao con lên ký và sút ký theo dư luận”? (Đường Hy Vọng, số 794).
Vui mừng trong Thiên Chúa, Đức Hồng Y Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã xác tín trong cuốn sách, Đường Hy Vọng, số 542 như sau: “Càng được chung phần thống khổ của Ðức Kitô chừng nào, anh em hãy vui mừng! Ngõ hầu khi vinh quang của Ngài mặc khải ra, anh em cũng được vui mừng hớn hở” (1P. 5:13).
Vui mừng vì “từ nay, Ta không còn gọi các ngươi là tôi tớ. Ta đã gọi các ngươi là bạn hữu, vì mọi điều Ta đã nghe nơi Cha Ta, Ta đã tỏ cho các ngươi biết … Vì không phải các ngươi đã chọn Ta, nhưng chính Ta đã chọn các ngươi” (Gioan 15: 15-17). Vui mừng vì trong “tình yêu của Thầy, sự vui mừng của các ngươi được nên trọn” (Gioan 15:11). Vui mừng vì khi sống và kết hợp với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha, chúng ta tuy sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Vui mừng vì chúng ta còn có một trách nhiệm “thánh hóa” thế gian bằng chính đời sống yêu thương trong sự thật để hoa trái của Công Lý và Hòa Bình được tồn tại. Hơn hết, vui mừng vì “thế gian đã nhận biết rằng Cha đã sai Con” (Gioan 17: 21).
Tựu chung, vui mừng vì mỗi một người Kitô Hữu đang được thông phần vào Sự Sống Đời Đời của Con Thiên Chúa, Thánh Tử Phục Sinh – được sai đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân (Mt. 28: 19-20) bằng chính đời sống đức tin – trong tin yêu và hy vọng – như Chúa Kitô đã sống, đã chết, đã sống lại và sẽ trở lại trong vinh quang của Nước Chúa Trị Đến. Để ý thức được ơn gọi này, chúng ta cần luôn có hy vọng để “thực thi Ý Chúa.”
HY VỌNG
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã sống trong Hy Vọng. Suốt cả cuộc đời từ khi được thụ thai trong cung lòng của người mẹ cho đến khi phục sinh trong Nước Trời, Ngài đã được nuôi lớn bằng những yêu thương, gương nhân đức của ông bà, cha mẹ, các ân sư trong mọi hoàn cảnh để luôn sống trong hy vọng, trong chân lý, trong công bình và bác ái. Ngài là một chứng nhân tỏ tường bằng chính đời sống tin yêu đối với Giáo Hội Mẹ với tâm hồn thanh thoát, tươi trẻ, vị tha. Đức Hồng Y Thuận đã thách đố con người Việt Nam và con người trên thế giới sống trong hy vọng, trong sứ điệp Ngài chia sẻ về Sứ Điệp Đức Mẹ La Vang, điểm số 9 như sau: “Thời đại nầy gặp một thách đố lớn nhất: Hy vọng. Nhiều người không biết hy vọng vào đâu, họ không biết sau cuộc đời nầy họ sẽ thế nào? Mặc dù hưởng thụ bao lạc thú, đầy ắp tiền của, họ vẫn không hy vọng. Số người tự tử ở các nước phát triển rất cao. Con phải trả lời được cho mọi người về niềm hy vọng trong con. Người Công giáo là ánh sáng giữa đen tối, là muối sống giữa thối nát và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng. Yêu Chúa là yêu trần gian. Mẹ say Chúa là Mẹ say trần gian. Hy vọng ở Chúa là hy vọng trần gian được cứu rỗi. Trên Thánh giá, Chúa nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: Yêu thương, đau khổ và luôn luôn hy vọng” (Los Angeles, Sứ Điệp Đức Mẹ La Vang, ngày 11/8/2001).
Hơn thế nữa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận còn nói lên một thực tại rất trung thực về niềm hy vọng của người Kitô Hữu là có hạng “Công giáo đợi chờ”, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến, có hạng người “Công giáo thụ động”, “trốn tránh vô trách nhiệm”, họ chỉ biết “nhìn lên” để kêu cứu, mà không biết “nhìn tới” để tiến, “nhìn quanh” để chia sẻ, gánh vác. Niềm hy vọng đang ở giữa họ mà họ không hay! Ngài còn khuyến khích chúng ta hãy làm một cuộc cách mạng sống niềm tin trong hy vọng bằng cách đừng đem đời người công giáo xa lìa môi trường, để quây quần quanh các việc thiêng liêng nhưng hãy mang niềm hy vọng của mình xâm nhập môi trường. Vì, “chấm nầy nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút nầy nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Ðời hy vọng do mỗi phút hy vọng” (Ðường Hy Vọng, chương 36).
Xuyên qua những tác phẩm và những kinh nghiệm mà Đức Hồng Y Thuận đã để lại cho Giáo Hội, dân tộc Việt Nam và cộng đồng nhân loại trên thế giới, chúng ta không thể nào phủ nhận được là Ngài đã sống một đời sống tràn đầy hy vọng. Ở trong bất cứ trạng huống nào, Ngài vẫn luôn vui tươi, đặt niềm hy vọng vào chính Chúa Giêsu Kitô để sống và để làm chứng nhân rất sống động, rất thật, rất người, với những tâm tình chan chứa niềm vui và rất đơn sơ vì Ngài luôn sống và tìm kiếm Chúa chứ không phải tìm kiếm công việc của Chúa.
Nói cách khác, trong hy vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận luôn ở cùng Chúa, luôn gặp được Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời, kể cả những lúc đau khổ và mệt mỏi nhất trong cuộc đời. Ngài chia sẻ như sau: “Người Kitô hữu chúng ta có một ngọn cờ, một huy hiệu, và hơn thế nữa có sức mạnh ban ơn cứu độ đó là Thánh-giá Chúa Giêsu Kitô. Khổ đau gắn liền với cuộc sống con người: khổ vì đói, khát, đau yếu, thao thức, sợ hãi, xao xuyến, vì thiếu tự do, chịu đựng bất công, bị nhục mạ và tột cùng là khổ vì đối diện với cái chết. Thánh giá, khổ đau của Chúa biến khổ đau con người chúng ta trở nên sức mạnh thần thánh, Thánh Giá là nguồn hy vọng độc nhất của ta.Vì khổ nạn gắn liền với Phục Sinh, do đó người Công giáo không bao giờ mất hy vọng” (Los Angeles, Sứ Điệp Đức Mẹ La Vang, ngày 11/8/2001).
Tôi tự hỏi nhiều lần: “Sức mạnh nào, động lực nào đã giúp cho Đức Hồng Y Thuận sống trọn vẹn với Chúa và với tha nhân như vậy?” Câu trả lời, đối với tôi, là hằng ngày:
- Ngài đã gặp được Chúa trên đường đi; đi trên con đường hy vọng bằng những quyết tâm:
1. Ra đi: "bỏ mình"
2. Bổn phận: "vác thánh giá mình mỗi ngày"
3. Bền chí: "theo Thầy." Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16: 24).
- Ngài đã đến và sống với Chúa; để rồi được nuôi dưỡng bằng sự sống khi thi hành ý Chúa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Gioan 4: 34).
- Ngài vui mừng giới thiệu Chúa cho mọi người,
- Ngài yêu mến Mẹ Maria, yêu tổ quốc Việt Nam và
- Ngài thương yêu mọi người như Chúa Giêsu đã yêu thương.
Nói cách khác, trong hy vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là một Chúa Kitô thứ hai. Giống lắm. Giống như cuộc đời của Chúa Giêsu vậy. Nếu nói rằng “Tin Mừng Hy Vọng” là hạt giống được gieo trồng vào thửa ruộng của Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thì hạt giống này đã vươn lên, đã trổ sinh hoa trái bằng chính đời sống chứng nhân hy vọng của Thiên Chúa ban tặng cho con người. Hy vọng ấy chính là tình yêu của Ngài dành cho Thiên Chúa và cho tất cả mọi người. Ngài đã nhìn thấy chân dung của Chúa trong mọi người, trong mọi lúc và mọi nơi: “Trong vực thẳm những đau khổ của tôi, tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi” (Giáo Phận Nha Trang, 2009).
A. Chiếc Bánh Thứ Nhất: Sống Trọn Vẹn Giây Phút Hiện Tại
“Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (x Mt 6: 34; Gc 4: 13-15). Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó” (ĐHY Thuận, Ðường Hy Vọng, số 997).
Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng biểu lộ đời sống tâm linh một cách tương tự: “Các bạn có thể gặp Chúa Giêsu, dọc theo những nẻo đường của cuộc sống mỗi ngày! ... Ðây là chiều kích nền tảng của sự gặp gỡ đó: Không phải các bạn gặp một biến cố hay một sự vật gì đó, nhưng các bạn gặp một con người, đó là Thiên Chúa hằng sống” (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XII, số 1).
Ý thức và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong từng mỗi cá nhân và trong từng mọi trạng huống của cuộc sống không phải là một điều dễ làm. Nó đòi hỏi một tinh thần trưởng thành, sống phó thác, đối xử nhân hậu và độ lượng với từng cá nhân như Chúa Giêsu đã từng làm và đã từng sống. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã làm được điều này: Ngài đã sống yêu thương trọn vẹn của từng giây phút hiện tại với niềm cậy trông mãnh liệt vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Ngài đã trải dài kinh nghiệm sống đạo, sống đức tin này trong tác phẩm “Đường Hy Vọng”. Ngài viết bằng chính đời sống chứng nhân, bằng lời cầu nguyện của Ngài làm đường đi cho cuộc sống đức tin như sau:
“Tôi không chờ đợi. Tôi sống giây phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương. Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thọai, mỗi quyết định phải là 'đẹp nhất' của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa. Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Lạy Chúa, con không đợi chờ, con quyết sống phút hiện tại, và làm cho nó nảy tình thương, vì chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng” (Đường Hy Vọng, số 978). Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vẫn mong ước được kết hợp với Chúa Giêsu và như Chúa Giêsu, trọn đời đã làm những gì đẹp lòng Chúa Cha: “Mỗi phút giây con muốn làm lại với Chúa, ‘một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu’. Con muốn cùng với Hội Thánh hát vang: Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Alleluia! Alleluia! Alleluia!” (Five Loaves and Two Fish, Morley Books, 2000, p. 15).
Ngài tâm sự như sau: “Trong Phúc âm, các Tông đồ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ mua thức ăn”... Nhưng Chúa Giêsu muốn hành động trong phút hiện tại: “Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Lc 9: 1). Trên thánh giá, khi người ăn trộm thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, khi về thiên đàng xin Ngài nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên nước thiên đàng” (Lc 23, 42-43). Trong tiếng “hôm nay” của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy tất cả sự tha thứ, tất cả tình thương của Ngài” (Five Loaves and Two Fish, Morley Books, 2000, pp. 10-11).
Là linh mục của Chúa, chúng ta cũng đã nhận được lời khuyên của Giáo Hội, Mẹ Rất Thánh khi dọn mình dâng lễ như sau: “Hỡi Linh Mục của Chúa, Con hãy dâng Thánh lễ này như Thánh Lễ Đầu Tiên, Duy Nhất và Cuối Cùng của Con”. Vì thế, tôi không ngần ngại để nói rằng đời sống linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là sống từng giây phút trọn vẹn trong tình thương nhiệm mầu của Thiên Chúa.
B. Chiếc Bánh Thứ Hai: Phân Biệt Giữa Chọn Chúa và Việc Của Chúa
Mọi Kitô hữu dù ở địa vị nào, bậc sống nào đều được Chúa kêu gọi đạt đến sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người. Các thánh nên thánh không phải vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các Ngài đâu làm gì lạ! Họ chỉ chu toàn bổn phận. Sống bổn phận hiện tại không phải là sống một cách thụ động, nhưng: “là liên lỉ canh tân, là quyết định chọn Chúa, là tìm Nước Chúa, là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa, là hành động với tất cả hăng say, là thể hiện mến Chúa yêu người, ngay trong giây phút này” (Đường Hy Vọng, số 26). Con đường linh đạo sẽ được tỏ hiện khi nhờ ánh sáng đức tin và nhờ suy niệm Lời Chúa, mỗi người mới có thể nhận ra Chúa trong mọi sự và mọi lúc, vì trong Ngài “ta sống, ta hoạt động, ta hiện hữu” (TĐCV 17: 28). Tìm ý Chúa trong mọi biến cố, thấy Chúa Kitô trong mọi người, dù là người thân hay kẻ lạ, phê phán đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của sự vật trần thế, xét nơi chính nó và xét theo tương quan với cứu cánh của con người. Đức Hồng Y Thuận đã không ngừng chia sẻ kinh nghiệm bản thân để nhắc nhở chúng ta về sự nhận thức giữa Chúa và công việc của Chúa để mỗi người chúng ta tiếp tục chọn Chúa. Ngài rất đơn sơ và rất chân thành khi xác định điều này qua lời cầu nguyện sau đây: “Chúa muốn mưa, con cũng muốn, Chúa muốn nắng, con cũng muốn, Chúa muốn sướng, con cũng muốn, Chúa muốn cực, con cũng muốn, Chúa muốn vui, con cũng muốn, Chúa muốn khổ, con cũng muốn, Chúa và con chỉ có một ý” (Đường Hy Vọng, số 37).
Sau khi tìm gặp được ý Chúa để rồi trong đời sống thường ngày chúng ta tiếp tục chọn Chúa chứ không chọn công việc của Chúa. ĐHY Thuận nhắc nhở mọi người (Đường Hy Vọng, số 76-78) như sau:
“Chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động đang hăng say phải bó tay, nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác! Uất ức và chán nản! Chúa gọi con “Hãy theo Thầy” hay “Hãy theo việc nọ, người kia”? Ðể đó, Chúa sẽ liệu … Con không tin ai, không trao công việc cho ai, không chịu nhường chỗ cho ai. Con toàn năng hơn Chúa nữa sao? Tại sao con khư khư ôm lấy công việc nọ, công việc kia, không chịu buông ra khi thượng cấp thuyên chuyển? Việc đó của Chúa hơn là việc của con! Có Chúa lo … Chúa trao cho con công việc của Chúa, cao trọng có, khiêm tốn có, tầm cỡ có, bình dân có. Con làm mục vụ giáo xứ, mục vụ giới trẻ, mục vụ học đường, mục vụ nghệ thuật, mục vụ gia đình, mục vụ thanh niên, mục vụ lao động, mục vụ truyền thông. Con đổ vào đó tất cả nhiệt tình, tất cả những gì có thể được. Con không tiếc một điều gì, kể cả mạng sống con. Giữa lúc con tận tụy, hăng say như thế, con gặp thất bại ê chề. Vì người ta vô ơn, vì không ai chịu cộng tác, vì bạn bè hiểu lầm, vì bề trên không nâng đỡ, vì bịnh tật ốm đau, vì thiếu phương tiện ... Có lúc con đang trên đà thành công rực rỡ, mọi người hân hoan ca ngợi con, quyến luyến con.Thì đùng một cái, con phải thuyên chuyển, nhận nhiệm vụ mới. Con choáng váng như rơi vào đêm tối. Sao Chúa bỏ con? Con không muốn bỏ dở việc Chúa, con phải làm cho hoàn thành việc Chúa. Phải xây xong thánh đường, tổ chức xong hội đoàn ...” Ngài tiếp tục tâm sự: “Bên Mình Thánh Chúa, con nghe Chúa Giêsu bảo con: “Con hãy theo Chúa, chứ không phải theo việc của Chúa! Nếu Chúa muốn, con hãy trao việc Chúa lại trong tay Chúa, Chúa sử dụng ai tiếp tục, mặc ý Chúa. Có Chúa lo, mà Chúa lo thì muôn vạn lần hơn con lo.Con hãy chọn một mình Chúa” (Five Loaves and Two Fish, Morley Books, 2000, pp. 24-26).
C. Chiếc Bánh Thứ Ba: Sống Cầu Nguyện – Kết Hợp Mật Thiết Với Lời Chúa
CẦU NGUYỆN
Các bạn hãy biết lắng nghe, trong thinh lặng cầu nguyện, câu trả lời của Chúa Giêsu: “Hãy đến và sẽ thấy” (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XII, số 2).
Trước khi bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng một cách công khai, trước khi chọn các Tông Đồ, sau một ngày dài chữa lành các bệnh tật, rao giảng Nước Trời, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thiên Chúa Cha (Gioan 6: 15), trước khi nộp mình chịu khổ hình, Chúa Giêsu đã cầu nguyện thật nhiều và dạy các tông đồ cầu nguyện liên lỉ (Luca 12: 35-37 và Luca 21: 34-36).
Ký gỉa Hà Minh Thảo, trong một bài viết về Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nhận định Ngài như là một người “Cha” nhân đức, một tấm gương sáng ngời cho quý anh em linh mục, đã viết lại lời của “Cha” như sau: “Giáo hội, mà chúng ta là chi thể, chưa bao giờ vang hiển và uy thế như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ phải đương đầu với một cuộc chiến thiêng liêng kinh khủng như hiện nay. Chúa cần sự cộng tác của chúng ta; chúng ta cần Ơn Chúa, vì ‘không có Người, chúng ta không làm gì được’. Muốn được Ơn Chúa, chúng ta phải cầu nguyện. Chúa muốn cho ta thấy lời cầu nguyện quan trọng chừng nào và lịch sử Hội Thánh cũng chứng minh điều ấy: Hội Thánh sinh ra bởi lời cầu nguyện; Hội Thánh thắng thù địch bằng lời cầu nguyện; và Hội Thánh sống nhờ lời cầu nguyện” (Đường Hy Vọng, Chương 7)
Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã khẳng định một cách mạnh mẽ về sự quan trọng của đời sống cầu nguyện, trích theo lời Thánh Têrêxa Avila: “Ai không cầu nguyện, không cần ma quỷ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục”. Đi xa hơn một bước, đời sống cầu nguyện được Ngài đúc kết như sau trong tác phẩm “Cầu Nguyện”: “Con nắm một bí quyết: Cầu nguyện. Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả”. Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con. “Vì thế, thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới hoạt động.” Từ niềm xác tín nêu trên, Đức Hồng Y Thuận đã nhắn nhủ: “Trước khi làm bất cứ việc gì, dù là việc mục vụ, xã hội, bác ái, chúng ta phải cầu nguyện. Như Chúa Giêsu, trước khi làm phép lạ nuôi dân chúng, đã ngước mắt lên trời, cầu nguyện cùng Ðức Chúa Cha. Ngài đã chọn Chúa trước rồi mới làm việc Chúa sau” (Five Loaves and Two Fish, Morley Books, 2000, p. 35).
Cầu nguyện là thể hiện cuộc sống Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho chúng ta trong phép rửa tội; cầu nguyện là nuôi dưỡng lòng yêu thương người bên cạnh mình. Cầu nguyện đạt đến mức cao độ khi tham dự Thánh Thể; tất cả chúng ta cùng Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu lên Thiên Chúa để được gặp gỡ Chúa Cha, gặp gỡ cộng đoàn con người trong sự sống Chúa Thánh Thần (Sứ Điệp Đức mẹ La Vang, điểm số 9).
Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI cũng cùng một niềm xác tín với Đức Hồng Y Thuận về đời sống cầu nguyện khi Ngài đã đề cao đời sống cầu nguyện cho toàn thể mọi người, là đoàn dân tư tế, đặc biệt các chủng sinh vì việc học thần học phải luôn gắn liền mật thiết với đời sống cầu nguyện, làm sao để trong đời sống hoạt động như linh mục sau này, “luôn có sự hội nhập hòa hợp giữa sứ vụ với bao nhiêu hoạt động đa diện và đời sống thiêng liêng... Đối với linh mục là người sẽ phải tháp tùng người khác suốt trong dòng đời và cho đến cánh cửa sự chết, điều quan trọng là chính linh mục phải thiết lập sự quân bình giữa con tim và trí tuệ, lý trí và tình cảm, thân xác và linh hồn, và thực sự là 'liêm chính' xét về mặt con người” (Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, 26/1/2012, Thư gửi các chủng sinh, số 6). Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Ai muốn trở thành linh mục, thì trước tiên phải là một người của Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã mô tả (1 Tm 6:11). Vì thế điều quan trọng nhất trong hành trình tiến đến chức linh mục và trong suốt cuộc đời linh mục là quan hệ bản thân với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.”
Chúa Giêsu cũng đã nhắn gởi các Thánh Tông Đồ và cho mỗi người chúng ta hôm nay và cho toàn thể nhân loại: “Khi các con hiệp nhau cầu nguyện thì Ta sẽ ở giữa các con” (Mt. 18: 20). Một trong những nét nổi bật về đời sống linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là CẦU NGUYỆN, vì khi sống lời và đời cầu nguyện, ngài đã sống như Chúa Giêsu đã sống: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt. 6: 10).
KẾT HỢP MẬT THIẾT VỚI LỜI CHÚA
Qua những giai đọan học tập nhân đức, trau dồi kiến thức từ ngay chính trong gia đình, chủng viện, khi thi hành các sứ vụ và các trách nhiệm, khi sống trong lao tù, bị quản thúc mọi mặt, ngay cả khi phục vụ Giáo Hội với tư cách là Bộ Trưởng Bộ Công Lý và Hòa Bình, và trong những lúc chịu đau đớn vì bịnh lý, Đức Hồng Y vẫn an vui tự tại vì cuộc sống kết hợp tài tình với Lời Chúa: Lời Hằng Sống. Tôi còn nhớ, qua những tài liệu ghi lại từ những bài viết hoặc những bài giảng thuyết, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: “Có nhiều vĩ nhân với những tư tưởng sâu sắc, lạc quan, khác người. Họ để lại cho hậu thế những tư tưởng về những triết lý sống trong những liên hệ của nhân sinh quan. Nhưng, lời nói và tư tưởng của họ không ban phát sự sống. Chỉ có Lời Chúa mới có khả năng ban phát Sự Sống đích thực”.
Đúng như thế, Con Thiên Chúa, trong chương đầu tiên của Phúc Âm theo Thánh Gioan đã xác định rất rõ ràng là Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa Cha, đến trong thế gian để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho nhân loại. Quả thật, Chúa Giêsu không những đến trong trần gian để rao giảng Lời Chúa nhưng chính Ngài là Lời Chúa.
Khi nói về đời sống linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta không thể nào bỏ qua một chi tiết rất quan trọng trong đời sống đức tin và trong đời sống nhân chứng hy vọng của ngài là: đời sống kết hợp mật thiết với Lời Chúa, với Chúa Giêsu Kitô, là Lời Hằng Sống. Khi suy ngẫm về Lời Chúa có nghĩa là chúng ta lắng nghe Lời Chúa Giêsu kết hợp với Thiên Chúa Cha: “Song không phải như ý Con, mà là như ý Cha” (Mt. 26: 39). Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê, qua những chuỗi ngày khi còn sống ở dương thế, đã chứng minh được đời sống của ngài là những chuỗi kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu như thế nào. Vì thế, tôi cũng không ngần ngại để nói như sau: Sống Lời Chúa và kết hợp với Lời Chúa là một trong những phương châm đời sống linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
D. Chiếc Bánh Thứ Tư: Gắn Bó và Nuôi Dưỡng Bằng Bí Tích Thánh Thể
Chúng ta được nghe bằng chính lời của Đức Hồng Y Thuận chia sẻ qua nhiều dịp mà Ngài dạy dỗ và chia sẻ trong những buổi tĩnh tâm và trong các đại hội về kinh nghiệm của ngài “Sống Bí Tích Thánh Thể”. Một trong những kinh nghiệm rất sáng tạo và tràn đầy yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể khi cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay của Ngài. Toàn thể Giáo Hội trên hoàn cầu, nhà thờ Chính Tòa, toàn thể Dân Chúa và Cộng Đồng Nhân Loại đang sống trong Ngài và được nuôi dưỡng bởi Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích này đã nuôi dưỡng chính ngài và Giáo Hội khi Ngài cử hành Thánh Lễ của Chúa Giêsu, hiến tế trên bàn thờ làm giá cứu chuộc muôn người.
Riêng cá nhân tôi, mình thực sự đã để cho việc cử hành Thánh Lễ mà Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã cử hành cuốn hút tôi trong đời sống Linh Mục của mình. Tất cả phát xuất từ lòng mến và để cho chính Mình và Máu Thánh Chúa trở nên lương thực cho muôn người trên con đường lữ thứ trần gian đang tiến về quê hương Thiên Đàng.
Sách Tông Đồ Công Vụ, chương 2, câu 41 đến câu 47, tường thuật rất ngắn gọn, nhưng rất mãnh liệt và siêu bạo về sức mạnh biến đổi của những người Kitô hữu tiên khởi khi cử hành sự hiệp thông trong việc “bẻ bánh” và “kinh nguyện”. Kết quả của việc cử hành Thánh Lễ của thời sơ khai của Giáo Hội là nhóm người Kitô hữu được sự “mến phục của toàn dân và nhiều người được cứu rỗi mà nên một cùng nhau” (TĐCV 2: 46-47). Nhiệm mầu và hoa trái của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể là ở điểm này.
Chúng ta tự hỏi linh hồn mình để trả lời cho việc tham dự Thánh Lễ của chính mình trong đời sống của người Kitô hữu được kết quả như thế nào và chúng ta nuôi dưỡng nhau ở mức độ nào? Mình có trở nên giống Chúa Kitô chưa hay chúng mình vẫn không sống yêu thương – công bình và bác ái – như Thánh lễ đã nuôi dưỡng mỗi người? Nếu chưa cảm nghiệm được “hoa trái” của Thánh lễ thì chỉ có một câu trả lời chung cho vấn đề này là: chúng ta thiếu lòng mến Bí Tích Thánh Thể và chưa dám sống đời sống Thánh Thể trong từng chuỗi ngày và trong từng hoàn cảnh!
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã cảm hóa được nhiều người sống chung quanh ngài vì “hoa trái nhân đức” của Thánh lễ mà Ngài đã cử hành. Ngài đã sống Bí Tích Thánh Thể rất thật và rất tuyệt vời khi những người sống chung quanh Ngài, lương dân hay kẻ thù, đều có một mẫu số chung khi trả lời về đời sống kết hợp với Thánh Thể của Ngài: Ngài được toàn dân thương mến! Nhiều người đã trở về và được nhận lãnh ơn cứu độ! Và “họ” mỗi ngày được tăng trưởng trong tin yêu và nên một trong Bí Tích Thánh Thể giữa lòng đời!
Thánh Lễ có kết thúc tại Giáo Đường hay trong trại tù tăm tối nhưng hoa trái của Thánh Lễ (Mình và Máu Chúa Giêsu) vẫn được tiếp tục trải dài trên mọi nẻo đường của mỗi người Kitô Hữu. Mình và Máu Thánh Chúa nuôi dưỡng và biến đổi con người trở nên “giống như Chúa” mỗi ngày mỗi rõ nét hơn trong từng hoàn cảnh của từng cá nhân. Chúng ta cần phải xét mình thận trọng và đứng đắn hơn khi mình vẫn chưa biến đổi giống như Chúa Giêsu. Tại sao? Gương nhân đức và lòng mến của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê khi Ngài kết hợp và cử hành Thánh Lễ đã là một câu trả lời rất trong sáng về đời sống linh đạo của Ngài.
E. Chiếc Bánh Thứ Năm: Sống Yêu Thương Đến Hiệp Nhất
Hội Thánh là một mầu nhiệm (Vatican II, Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 1) vì Hội Thánh là một đoàn thể thiêng liêng đâm rễ sâu trong trần gian. Hội Thánh sinh sôi nảy nở và phát triển khắp nơi trên thế giới nhưng sự bền vững của Hội Thánh là do sự liên kết một cách mầu nhiệm giữa Chúa Giêsu Kitô với mỗi tâm hồn, qui tụ tất cả những người con Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Vì thế, chúng ta gọi và tin rằng Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Mặc dù các phần tử trong Hội Thánh có nhiều khuyết điểm, nhưng Hội Thánh sẽ hiện diện cho đến tận thế. Công đồng Vatican II khẳng định rằng: “Hội Thánh là một cộng đoàn hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, cùng đi với nhịp bước của toàn thể nhân loại, và được kêu gọi để hợp thành gia đình các con cái Thiên Chúa ngay trong lịch sử nhân loại, ngõ hầu tăng trưởng luôn mãi cho tới khi Chúa đến” (Vatican II, Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 40, p. 782).
Qua nhiều thế kỷ, trong các chi thể của Hội Thánh, giáo sĩ hay giáo dân, có nhiều người đã bất trung với Thánh Thần của Thiên Chúa, có những lầm lạc, yếu đuối, sa ngã, tạo nhiều gương xấu, chia rẽ. Nhưng, giữa những sụp đổ của các chủ nghĩa, các phong trào, các chính phủ, Hội Thánh vẫn vững mạnh, con thuyền của Phêrô vẫn vững vàng lướt sóng, quyền bính nhiệm mầu của Chúa càng được tỏ rạng, uy nghi hơn, vì Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 18: 20). Vì thế chúng ta có thể nói: “Ubi Petrus ibi Ecclesia – Ubi Ecclesia ibi Christus - Đâu có Phêrô, đấy có Hội Thánh - Đâu có Hội Thánh, đấy có Chúa Kitô.”
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã mượn lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong diễn văn ngày 18 tháng 9 năm 1968, để mời gọi tất cả con cái Thiên Chúa hãy yêu mến Hội Thánh với một tâm hồn can đảm và mới mẻ để sống theo linh đạo sống yêu thương đến hiệp nhất. Ngài trích lời diễn văn như sau:
“Yêu mến Hội Thánh là không báo hại Hội Thánh bằng những lời chỉ trích, những thái độ vơ đũa cả nắm.
Yêu mến Hội Thánh là không làm tổn thương cho Hội Thánh bằng những lời lẽ bất khôn, những thái độ mập mờ không xứng một người công giáo chân chính.
Yêu mến Hội Thánh là không để Hội Thánh lệ thuộc một thực tại trần gian nào, dù đảng phái, dù là văn minh, dù là giai cấp.
Yêu mến Hội Thánh là biết khôn ngoan đề phòng những lối tuyên truyền của báo chí, có tính cách chiêu khách, đấu thầu, vô trách nhiệm, do những hội kín mua chuộc, nó tạo cho óc chỉ trích phá hoại thành một lối thời trang trong nhiều lãnh vực của đời sống công giáo.
Yêu mến Hội Thánh là tôn trọng, là cảm thấy hạnh phúc được thuộc về Hội Thánh, nghĩa là can đảm, trung thành với Hội Thánh, vâng lời và phục vụ Hội Thánh trong hi sinh và vui vẻ; nâng đỡ Hội Thánh, sốt sắng và liên lỉ cầu nguyện cho Hội Thánh” (P.X. Nguyễn Văn Thuận, Nhìn Việt Nam, Á Châu, Thế Giới Trong 33 Năm Làm Giám Mục, Tin Vui Media 2000, trang 69-71).
F. Con Cá Thứ Nhất: Yêu Mến Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã yêu mến Mẹ Maria một cách sốt mến chân thành. Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm lời cầu nguyện mà Ngài đã thưa với Mẹ Maria để hiểu rõ hơn về “chuyện tình thứ nhất” của con đường linh đạo – con đường nên thánh của Ngài:
“Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ chúng con, con muốn gọi Mẹ là Mẹ chúng con, để cảm thấy mình hợp nhất với Chúa Giêsu và mọi người anh em của con.
Xin Mẹ hãy đến và sống trong con. Cùng Chúa Giêsu, con rất yêu dấu của Mẹ.
Trong sự thinh lặng, tỉnh thức, cầu nguyện, hiến tế.
Trong sự thông hiệp với Hội thánh và Chúa Ba Ngôi.
Trong kinh Magnificat, sứ điệp đổi mới toàn diện của Mẹ,
Trong sự kết hợp với thánh Giuse, bạn chí thánh của Mẹ, trong lao động đầy khiêm tốn, yêu thương, để thực hiện di chúc của Chúa Giêsu.
Trong tình yêu của Mẹ đối với Chúa Giêsu, thánh Giuse, Hội thánh và tất cả nhân loại.
Trong đức tin sắt đá của Mẹ, giữa muôn vàn thử thách vì nước trời.
Trong niềm hy vọng của Mẹ, luôn hành động để xây dựng một thế giới mới, đầy công lý, hòa bình, hạnh phúc và yêu thương thực sự.
Trong sự vẹn toàn các nhân đức của Mẹ trong Chúa Thánh Thần, để nên nhân chứng của Phúc âm, nên Tông đồ truyền giáo.
Trong con, xin Mẹ tiếp tục làm việc, cầu nguyện, yêu thương, hy sinh.
Xin Mẹ tiếp tục thi hành thánh ý Chúa Cha, tiếp tục làm Mẹ loài người.
Xin Mẹ tiếp tục sống sự Thương khó và Phục sinh của Chúa Giêsu.
Con xin dâng mình cho Mẹ.
Tất cả cho Mẹ.
Hôm nay và mãi mãi đến muôn đời.
Con sống tinh thần của Chúa Giêsu, khi sống tinh thần Maria và Giuse.
Với Chúa Giêsu, thánh Giuse, các thiên thần, các thánh và tất cả các linh hồn.
Con yêu mến Mẹ, Mẹ chúng con, và con xin chia sẻ,
Công việc của Mẹ,
Nỗi thao thức của Mẹ,
Cuộc chiến đấu của Mẹ vì nước Chúa Giêsu. Amen.”
(Five Loaves and Two Fish, Morley Books, 2000, pp. 77-79).
G. Con Cá Thứ Hai: Tôi Chọn Chúa
Quyết tâm chọn Chúa với tất cả tâm tình yêu thương, phó thác, trong vui mừng và hy vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận khao khát đi theo từng bước chân của Chúa Giêsu trên con đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Chúng ta hãy cùng nâng đỡ nhau đi trên con đường linh đạo – con đường nên thánh với Đức Hồng Y Thuận trong đời sống Kitô Hữu của mỗi người chúng ta bằng lời kinh của chính Ngài:
“Lạy Chúa Giêsu,
Trên đường hy vọng suốt 2,000 năm nay, tình thương Chúa như một lượn sóng đã lôi cuốn bao người lữ hành. Họ đã yêu Chúa với một mối tình sống động, thể hiện qua tư tưởng, lời nói, việc làm, với một tâm hồn mạnh mẽ hơn mọi cám dỗ, mạnh hơn mọi đau khổ, hơn cả sự chết. Họ đã là lời Chúa ở trần gian, đời họ là một cuộc cách mạng, đổi mới cục diện của Hội thánh.
Nhìn những tấm gương sáng ngời ấy, từ tấm bé con đã mang một ước vọng: bước toàn hiến đời con, cuộc đời duy nhất con đang chiếm hữu, cho một ý tưởng bền vững không bao giờ sụp đổ. Và con cương quyết.
Nếu chúng con làm theo ý Chúa, thì Chúa sẽ hoàn tất ý định đó, và con lăn xả vào cuộc mạo hiểm mầu nhiệm này. Con đã chọn Chúa, và con không bao giờ hối hận. Con nghe Chúa bảo con: “Hãy ở trong Thầy, trong tình yêu Thầy.” Làm sao ở trong người khác được? Chỉ có tình yêu Chúa mới làm được sự lạ này. Con hiểu Chúa muốn trọn cuộc đời con: “Tất cả vì yêu mến Chúa.”
Con theo từng bước của Chúa trên đường hy vọng: bước lang thang ra chuồng bò ở Bêlem, bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai cập, bước bồn chồn trở về trú ngụ Nagiarét, bước phấn khởi lên Ðền thánh với Mẹ Cha, bước vất vả suốt 30 năm trời lao động, bước yêu thương ba năm rao giảng Tin mừng, bước thao thức kiếm tìm chiên lạc, bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt, bước cô đơn ra trước tòa không một người thân, bước ê chề vác thánh giá lên đồi tử nạn, bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác, không tiền không bạc, không manh áo, không bạn hữu. Chúa Cha cũng xem chừng bỏ rơi Chúa, nhưng Chúa phó thác tất cả vào tay Cha.
Lạy Chúa, quỳ trước Nhà Chầu, một mình con với Chúa, con hiểu rồi: con không thể chọn con đường khác. Ðường khác sung sướng hơn, bên ngoài vinh quang hơn, nhưng không có Chúa, người Bạn muôn năm, người Bạn duy nhất của con trên đời. Nơi Chúa là tất cả thiên đàng với Chúa Ba Ngôi, tất cả trần gian với toàn nhân loại. Khổ đau của Chúa là của con. Của con, nỗi khốn khổ của những tâm hồn sát cạnh. Của con, tất cả những gì không phải an hòa, tươi vui, đẹp đẽ, sung sướng, dễ thương ... Của con, tất cả sầu muộn, thất vọng, chia ly, bỏ rơi, khốn nạn ... Những gì là chính Chúa, vì Chúa đã gánh hết; những gì nơi người anh em, vì có Chúa trong họ.
Con tin vững vàng, vì Chúa đã cất bước khải hoàn sống lại: “Hãy vững lòng, Thầy đã thắng thế gian.”
Vì Chúa dạy con: hãy bước những bước khổng lồ: “Ði khắp thế gian rao giảng Tin mừng.” Con lau sạch nước mắt ưu phiền và những con tim chán nản; con sẽ đưa về xum họp những tâm hồn xa cách; con sẽ đốt cháy trần gian bằng lửa tình yêu, thiêu sạch những gì cần phải hủy bỏ. Ðể chỉ còn lại chân lý, công bình và yêu thương.
Nhưng lạy Chúa! Con biết con yếu đuối lắm! Xin giúp con bỏ tính ích kỷ, yêu an nhàn; cho con đừng sợ kham khổ dày vò, không xứng tông đồ của Chúa; cho con sẵn sàng mạo hiểm, mặc cho thiên hạ khôn ngoan; con xin làm “đứa con điên” của Chúa, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse.
Con muốn lăn xả vào thử thách, chấp nhận mọi hậu quả, vì Chúa đã dạy con liều mạng. Nếu Chúa dạy con bước lên thánh giá nằm mãi đó, vào trong Nhà Chầu thinh lặng cho đến ngày tận thế, con cũng xin liều mạng bước theo. Con sẽ mất tất cả, nhưng Chúa vẫn còn! Tình thương Chúa vẫn còn! Tràn ngập quả tim con, để yêu thương tất cả. Và chừng ấy đủ hạnh phúc cho con.
Vì thế con xin lập lại: “Con chọn Chúa! Con chỉ muốn Chúa! Con chỉ muốn vinh danh Chúa.” (Five Loaves and Two Fish, Morley Books, 2000, pp. 93-98).
LỜI KẾT
“Đây là Con Mẹ. Này là Mẹ Con” (Gioan 19: 25-27). Sống yêu thương và kết hợp với Giáo Hội là sống trọn vẹn lời ủy thác của Chúa Giêsu cho từng “chi thể nhiệm mầu” của Chúa Kitô trong Giáo Hội. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận rất yêu mến Đức Mẹ Maria và các con cái của Đức Mẹ là Giáo Hội. Qua Giáo Hội, Mẹ Rất Thánh của Ngài, Mẹ luôn luôn yêu thương và chăm sóc con cái nhân loại. Cụ thể hóa hơn, nét đặc thù của đời sống linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là sống yêu thương và luôn kết hợp với Giáo Hội để “loan báo, giảng dạy và thánh hóa” nhân loại được nhận biết Thiên Chúa và sống theo đường lối của Thiên Chúa, Đấng mời gọi con người bước vào và lên đường. Giáo Hội luôn được kêu mời để loan truyền và dạy dỗ về Chúa Giêsu Kitô, “là Đường, là Sự Thật và Sự Sống” cho nhân lọai. Từ trọng tâm này, con người tìm về nguồn Chân Lý, nguồn Yêu Thương và là cội nguồn của Sự Sống là chính Thiên Chúa.
Nói cách khác, nếu mỗi người trong đời sống linh đạo (sống đức tin) mà đặt nền tảng vào tình yêu và sự sống là chính Chúa thì nhân loại sẽ được thăng hoa, đơm bông và kết trái trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người, bao gồm trong mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo. Giáo hội có lúc trải qua những chiều dài của yếu đuối, vấp phạm của con cái mình, nhưng vẫn trung thành với Chân Lý và cố gắng sống đời sống và trung thành với căn tính của mình là “Loan Báo Tin Mừng Ơn Cứu Độ” cho muôn dân. Vì thế, sống yêu thương và kết hợp với Giáo Hội là điều căn bản cho từng chi thể nhiệm mầu của Chúa Kitô trong trần gian.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã yêu mến Giáo Hội và sống trọn vẹn với căn tính của mình trong đời sống yêu thương và thánh thiện của Mẹ Rất Thánh. Vì thế, sống đời sống đức tin hay sống đời sống linh đạo – con đường nên thánh của Đức Hồng Y là luôn luôn yêu mến và kết hợp trọn vẹn với Giáo Hội là Mẹ Rất Thánh của mỗi người Kitô Hữu chúng ta vậy.
Tất cả là lòng mến, là đức ái, là yêu thương, phục vụ, kính trọng, chăm sóc và nuôi dưỡng nhiệm thể Chúa Kitô bằng tất cả chân tình đơn sơ, phó thác và sống trong vui mừng và hy vọng như Tôi Tớ Chúa, Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đã sống và đã là chứng nhân của Chúa Giêsu Phục sinh trong đời sống của chính ngài để Danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến.
Cúi xin Thiên Chúa chúc lành và thánh hóa chúng con và dám xin cho Tôi Tớ Chúa, Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sớm được tôn kính trên Bàn Thánh của Giáo Hội, Mẹ Rất Thánh của ngài và của chúng con. Amen.
Thay cho lời kết của một vài nét học hỏi và tìm hiểu về “linh đạo của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận”, tôi xin tóm tắt trong lời kinh ngàn đời của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.
0 nhận xét:
Post a Comment