Có câu hỏi đặt ra là: tôi đang tự do, hay tôi đang làm nô lệ cho những tham vọng, bạc tiền và thời trang? Tự do đích thật là biết dành chỗ cho Thiên Chúa trong cuộc đời mình, và mừng vui đi theo Chúa dẫu cho nhiều khổ đau. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Ông Gamaliel là con người tự do
Trước tiên chúng ta nói về sự tự do của những người con. Đây là thứ tự do mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta nhờ hành động cứu chuộc của Người. Chúng ta thử nghĩ về sự tự do của ông Gamaliel. Ông là luật sĩ và biệt phái. Nhưng ông đã lên tiếng thuyết phục hội đồng để giải phóng cho tông đồ Phêrô và Gioan. Gamaliel là con người tự do, suy nghĩ cách bình tĩnh và đưa ra những điều rất hữu lý.
Người tự do thì không sợ thời gian, người ấy biết phó thác cho Thiên Chúa. Người ấy biết dành chỗ cho Thiên Chúa, vì Chúa sẽ hành động trong chiều dài lịch sử. Người tự do thì đầy lòng kiên nhẫn. Gamaliel là người Do Thái, ông không phải là Kitô hữu. Ông đã không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng ông là một người tự do. Ông có suy nghĩ độc lập, ông đưa ra ý kiến xác đáng và người khác chấp nhận ý kiến ấy. Người tự do thì không thiếu kiên nhẫn.
Ngay cả quan Philatô cũng có một tâm trí độc lập và bình tĩnh. Ông nhận ra rằng, Chúa Giêsu là Đấng vô tội. Thế nhưng, Philato thất bại trong cách tìm lối giải quyết vấn đề. Ông thất bại vì thiếu can đảm, thiếu tự do. Vì ông gắn chặt và làm nô lệ cho tham vọng và thành công bản thân.
Tông đồ Phêrô và Gioan là những người tự do
Còn về thánh Phêrô và Gioan, các ngài đã chữa lành cho người bại liệt. Giờ đây các ngài đứng trước hội đồng. Cuối cùng các ngài cũng được thả, nhờ sự can thiệp của ông Gamaliel. Nhưng trước khi được giải thoát, các ngài bị đánh đòn ngay cả khi họ thừa nhận các ngài vô tội. Các ngài bị trừng phạt một cách bất công. Thế nhưng, các ngài tràn đầy niềm vui vì đã được chịu sỉ nhục và chịu khổ vì Chúa Giêsu. Đó là niềm vui vì được theo gương Chúa. Đó là niềm vui, là sự tự do rất bao la của các Kitô hữu. Phêrô và Gioan đáng lẽ đã có thể kiện hội đồng và đòi bồi thường. Nhưng không, các ngài lại rất vui khi được chịu khổ vì Danh Chúa. Có lẽ các ngài nhớ tới lời mà Chúa đã nói: Phúc cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả và đánh đập..
Các tông đồ tự do ngay trong đau khổ, vì các ngài đi theo Chúa Giêsu. Đây là thái độ của Kitô hữu: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con rất nhiều, Chúa đã chịu khổ vì con quá nhiều. Con có thể làm gì cho Chúa đây? Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy, này là cuộc sống của con, này là trí khôn con, này là tâm hồn con, tất cả những thứ ấy là của Chúa!”. Đó là tự do của những người yêu mến Chúa. Họ thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, Chúa đã làm điều ấy vì con, thì con đây, con làm điều này vì Chúa. Ngày nay, tiếp tục có những con người chịu tra tấn, chịu cảnh tù đầy, nhưng họ vẫn tự do, vì họ tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu là con người tự do
Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Và dân chúng lũ lượt đi theo Chúa. Chúa hiểu rằng, họ đến để tôn mình là vua của họ. Nhưng Chúa Giêsu đã rút lui một mình lên núi. Chúa đã không bị mê hoặc bởi thành công và tiếng hò reo của đám đông. Chúa là con người tự do.
Khi sống trong sa mạc, Chúa Giêsu chiến thắng tên cám dỗ. Chúa chiến thắng vì Chúa là người tự do và tuân theo ý muốn của Thiên Chúa Cha. Cuối cùng Chúa chịu chết trên thập giá. Và Chúa Giêsu trên thánh giá là mẫu gương cao cả nhất về tự do. Ngài đã một lòng tuân theo thánh ý Chúa Cha để phục hồi chức vị làm con cho mỗi người chúng ta.
Hôm nay, chúng ta hãy nghĩ về sự tự do của chúng ta, của từng người. Có ba mẫu gương chúng ta đã nhắc trên đây. Thứ nhất là ông Gamaliel. Thứ hai là các tông đồ Phêrô và Gioan. Thứ ba là chính Chúa Giêsu. Tôi có tự do không? Hay là tôi đang làm nô lệ cho những đam mê, tham vọng, giàu sang, thời trang và biết bao thứ khác nữa? Nghe thì có vẻ là chuyện đùa, nhưng kỳ thực ngày càng có nhiều người làm nô lệ cho thời trang! Hãy suy nghĩ về tự do của mỗi người chúng ta trong thế giới này. Có người điên hét lên rằng: “Tự do, tự do, tự do!”; nhưng kỳ thực thì nô lệ hơn, nô lệ hơn, nô lệ hơn. Chúng ta hãy dành giờ suy nghĩ về tự do Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu.
0 nhận xét:
Post a Comment