• Latest News

    Saturday, March 11, 2017

    SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA NHẬT II MÙA CHAY A

    SUY NIỆM CHÚA NHẬT

    CHÚA NHẬT II MÙA CHAY A
     

    BƯỚC VÀO

    HÀNH TRÌNH THẬP GIÁ CÙNG VỚI CHÚA GIÊSU


    Tin mừng Mt 17: 1-9
     
    Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín nhất lên núi Thabor để tỏ vinh quang của Ngài cho các ông. Từ trên núi cao, Phêrô, Giacôbê, Gioan đã nhận ra được con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Con người của Chúa Giêsu là người tôi trung đau khổ như Isaia đã loan báo, sứ mệnh của Chúa Giêsu là hoàn tất con đường thập giá.

    Vì thế, xét theo mạch văn của đoạn Tin Mừng hôm nay, thì cuộc Biến hình của Chúa Giêsu có mục đích cho các môn đồ ưu ái thấy trước Vinh quang của ngày sau hết, vinh quang này đang tập trung trong con người Giêsu đang sống thường ngày với họ. Thiên Chúa phán với các môn đồ đầy sợ hãi rằng họ phải nghe lời và cùng đi theo Chúa Giêsu trên đường đẫn tới Giêrusalem, tiến đến vinh quang bằng thập giá.

    Tiếp đến, chúng ta thấy 3 môn đệ của Chúa đã say trong vinh quang và muốn ở lại trong vinh quang đó nên nói rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a” (Mt 17, 4). Thế nhưng, tiếng của Thiên Chúa Cha đã phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5). Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Vinh quang không thể tự mà có, cũng không ai sống mãi trong vinh quang được, vinh quang phải được kín múc ra từ trong thập giá và được nuôi dưỡng nó trong thập giá. Vì thế, để có được vinh quang thì hãy vâng nghe theo lời của Chúa Giêsu. Đó là bước theo con đường của Chúa Giêsu, con đường đi lên Giêrusalem để đón nhận thập giá.

    Hình ảnh đó, cho chúng ta nghiệm thấy rằng, muốn tìm thấy được hạnh phúc thì con người phải chấp nhận bước vào những khó khăn và thử thách thì mới tìm thấy hạnh phúc, và hạnh phúc đó cũng phải tiếp tục được nuôi dưỡng trong những thử thách và thậm chí là đau khổ.

    Chúa Giêsu, Ngài là Thiên Chúa, nghĩa là Ngài có đủ quyền năng để bỏ qua đau khổ của thập giá để tới thẳng vinh quang, nhưng Ngài lại không làm như vậy, Ngài ôm lấy đau khổ của thập giá vào mình để thanh luyện nó, biến đổi nó thành vinh quang vĩnh cửu. Và qua đó, Ngài muốn cho con người nhận ra rằng, không ai ngồi không mà có được hạnh phúc, không ai không chịu cực khổ mà có thể đạt được hạnh phúc, không ai bỏ qua được đau khổ trên bước đường đời mà có thể đến được vinh quang hạnh phúc được, cũng không có con đường tắt nào có thể đến thẳng vinh quang và hạnh phúc. Nghĩa là, hạnh phúc luôn phải đánh đổi bằng một hành trình gian khổ và thậm chí là đau khổ nữa. Điều này không cần phải chứng minh bằng những chứng cứ nào hết, nhưng chính mỗi người chúng ta, mỗi kinh nghiệm đời sống của chúng ta là những chứng cứ hữu hiệu nhất cho điều khẳng định trên.

    Điều đó cũng khẳng định, nếu ai trong cuộc đời này chối bỏ hay bỏ cuộc trước thập giá là những đau khổ và thất vọng thì chắc chắn chúng ta không thể nào đạt tới vinh quang được. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ trong Tin Mừng rằng: “Hãy trỗi dậy, Đừng Sợ!” (Mt 17, 7). Bởi vì Ngài biết, các môn đệ sợ phải đối diện với hành trình thập giá, hay đúng hơn là các môn đệ chưa thực sự nhận ra rằng thập giá chính là con đường duy nhất dẫn tới vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu. Điều đó ta thấy rõ ràng khi nhìn vào hình ảnh Phêrô ngăn cản không cho Chúa lên Giêrusalem (Mc 8,31-33)

    Đôi khi trong hành trình đời sống đức tin, chúng ta sợ hãi khi đối diện với những khó khăn của cuộc sống xã hội, cuộc sống gia đình. Chúa ban cho chúng ta mỗi người một ơn gọi đặc biệt và riêng biệt, chính sự đặc biệt và riêng biệt đó lại trao ban cho chúng ta mỗi người một thánh giá đặc biệt và riêng biệt, không ai giống ai, nhưng đều là thánh giá Chúa gửi đến để chúng ta có thể vác trên vai cùng theo Chúa lên Giêrusalem mà tìm đến vinh quang của hạnh phúc bất diệt: “ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá và theo Thầy” (Mt 16, 24).

    Tuy nhiên, khi đối diện với thánh giá Chúa trao, chúng ta thường sợ hãi và muốn trốn tránh. Ngày nay trong cuộc sống, rất nhiều các gia đình, vì sự khác biệt giữa vợ - chồng, con cái, và các thành viên trong gia đình không chấp nhận được những khác biệt đó khiến cho gia đình ngày càng trở nên nặng nề, rồi đến một lúc khi sự nặng nề đó trở nên quá sức thì gia đình tan vỡ. Chúng ta nên nhớ rằng, hành trình thập giá là một hành trình của sự biến tận căn. Biến đổi để trở nên phù hợp với vinh quang bất diệt. Trong cuộc sống gia đình cũng vậy, thập giá của mỗi thành viên là sự biến đổi chính mình để nên phù hợp hơn với gia đình đặc biệt và riêng biệt của mình, chứ không mong người khác biến đổi theo ý mình.

    Ta thấy hình ảnh của chú chim đại bàng, một loài chim được mệnh danh là chúa tể bầu trời, nhưng còn được biết đến như một loài động vật thông minh và sẵn sàng đối đầu với thử thách. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua cách chúng đối đầu với mỗi cơn bão.

    Không như tất cả mọi loài đều chạy trốn cơn bão, Đại bàng sẽ bay lên đỉnh núi thật cao đứng chờ. Và khi cơn bão ập đến, Đại bàng sẽ tận dụng sức mạnh của cơn bão để đưa đôi cánh của mình bay thật cao lên bầu trời. Đối với Đại bàng, cơn bão không hề là một điềm dữ. Nó là đòn bẩy, là cơ hội để củng cố thêm quyền lực thống trị bầu trời cho Đại bàng.

    Hầu hết những ai biết về câu chuyện của Đại bàng đều khâm phục bản tính kiên cường, trí thông minh và sức sống mãnh liệt của nó. Có lẽ chính những thử thách khắc nghiệt ấy đã rèn giũa nó trở thành một loài mạnh mẽ và đáng nể như ngày hôm nay. Hơn bất cứ điều gì, cuộc sống và cách Đại bàng đối đầu với khó khăn chính là nguồn cảm hứng cho tất cả các loài, kể cả loài người chúng ta.

    Chúng ta thì thế nào? Khi đối diện với khó khăn, chúng ta có sẵn sàng đương đầu không hay chúng ta tìm cách chạy trốn nó?

    Nhìn vào hình ảnh cuộc đời của Chúa Giêsu, đặc biệt là hành trình thập giá của Ngài, cũng như công trình tạo dựng của Ngài qua hình ảnh chim đại bàng, chúng ta tự xét lại chính mình, xem chúng ta đã thực sự bước vào hành trình thập giá của Chúa Giêsu qua đời sống thường ngày của chúng ta chưa?

    Xin Thiên Chúa giúp mỗi người chúng ta luôn biết can đảm đối diện với khó khăc của cuộc sống, nhất là cuộc sống gia đình, nhờ đó chúng ta có đủ sức mạnh và sự can đảm để vượt qua những khó khăc đó mà cùng với Chúa Giêsu tiến đến vinh quang bất diệt. Amen.
     
    Cao Nhất Huy

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 nhận xét:

    Post a Comment

    Item Reviewed: SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA NHẬT II MÙA CHAY A Rating: 5 Reviewed By: GIA ĐÌNH ƠN GỌI
    Scroll to Top