SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY A
Lc 18,9-14
Cứ mỗi năm phụng vụ qua đi, chúng ta ít nhất một lần được nghe đến đoạn tin mừng hai người lên đền thờ cầu nguyện. Khi dụ ngôn vừa bắt đầu, trong đầu chúng ta liền xuất hiện hai hình ảnh: gần sát bàn thờ, một bóng dáng đứng thẳng tắp hiên ngang, đầu ngẩng cao, nét mặt tự mãn, miệng đang không ngừng huyên thuyên khoe khoang thành tích đạo đức mà ông đã đạt được; xa xa kia, một thân hình đang cố gắng thu nhỏ lại, khép nép đứng tận cuối nguyện đường, đầu cúi gầm tay đấm ngực, thái độ vô cùng thành khẩn nài xin lòng thương xót của Chúa. Hai hình ảnh song song tạo nên trong chúng ta một sự phản cảm rõ rệt, vì thế chúng ta cũng không hề ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu nói: người thu thuế khi trở về thì được nên công chính còn người kia thì không.
Chắc ai trong chúng ta cũng nhận ra người Pharisiêu không phải lên đền thờ để cầu nguyện mà là để nói cho Chúa biết ông ta đạo đức thánh thiện như thế nào. Ông cho rằng Chúa có bổn phận phải khen thưởng ông, phải dành một vị trí xứng đáng cho ông bởi vì ông không chỉ chu toàn bổn phận mà còn làm rất tốt vai trò của mình. Chúng ta không thể phủ nhận những gì ông đã làm bởi tất cả đó là những việc tốt, nhưng tiếc thay ông đã biến nó thành bản án cho ông khi ông vênh vang trước Chúa, không khiêm tốn khi cầu nguyện trong lúc đến cùng Thiên Chúa và trong cách đánh giá bản thân ông khinh thường, đặt mình lên trên người khác. Nhận ra mình tội lỗi, ăn năn, khiêm tốn mà cầu xin lòng thương xót của Chúa là con đường duy nhất đưa đến ơn tha tội, hầu có thể bắt đầu cho một khởi điểm của một cuộc sống mới “nên công chính” và tiến lên trên con đường thánh thiện.
Chẳng có ai sinh ra đã kiêu ngạo, cũng chẳng có ai vốn khiêm tốn, cái gọi là kiêu ngao hay khiêm tốn sẽ hình thành theo thời gian, dưới tác động của môi trường sống. Không còn cách nào khác, văn hóa nơi nào dưỡng thành con người nơi ấy, đó là lời của những người đã trải nghiệm cuộc sống trước chúng ta. Chẳng thế mà người Pharisiêu sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh “ăn trên ngồi chốc’ được xem là tầng lớp “cầm cân nẩy mực” trong các tiêu chuẩn đạo đức nên trong tâm thức họ thấy mình là người đạo đức hơn người khác, xứng đáng đứng trước bàn thờ Chúa cũng là lẽ đương nhiên. Còn người thu thuế vốn bị coi là kẻ tội lỗi ,bị mọi người tẩy chay ghét bỏ nên ông đã mang trong mình ý thức mình là kẻ tội lỗi xấu xa và vì thế ông dễ khiêm tốn hơn, và vì ông ý thức nên ông nhận ra mình có công trạng gì mà kiêu căng trước mặt Chúa. Thật ra, tự hào về những thành quả mình đã đạt được thì không có gì là xấu, nhưng chẳng thể nào tính toán hay tâng bốc cái tốt mà không làm ảnh hưởng tới ý nghĩa và sự cao đẹp của nó, đôi khi còn khiến cho người tạo ra nó trở nên tầm thường, thậm chí thành kẻ tự phụ đáng ghét.
Nhưng có lẽ điều đáng tiếc nhất là chúng ta hình như ơ hờ hoặc đẩy vào “quên lãng” cái thế giới bên trong của con người, đặc biệt là khi chúng ta sống dưới thời của sự thịnh vượng và những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, chủ nghĩa vật chất được đề cao, con người đặt mình thành trung tâm vũ trụ, thấy mình như toàn năng. Thiên Chúa không còn cần thiết, niềm tin tôn giáo trở nên vô nghĩa mê tín. Con người đang đi vào vết xe của “tổ tiên” mình. Ồ, thế nhưng tôi không phải vậy, tôi là người có đức tin, tôi biết mình là tội nhân, tôi luôn cúi mình trước Thiên Chúa-Đấng dựng nên tôi, tôi có gì để mà vênh vang kiêu ngạo, là tạo vật nên tôi khiêm tốn trước Đấng tạo hóa là chuyện đương nhiên... Thế nhưng có ai trong chúng ta dám chắc mình không kiêu ngạo trước mặt Thiên Chúa??? Chẳng phải có những lúc chúng ta mải sắp xếp, nỗ lực cho cho cuộc sống của mình mà đặt Chúa ngoài kế hoạch của chúng ta hay sao? Chẳng phải có những lúc chúng ta cho rằng thành quả mà chúng ta có đều do bản thân mình cố gắng khéo léo mà có nào phải do Chúa ban sao? Chẳng phải khi chúng ta được mời gọi đi xưng tội thì chúng ta tự nhủ mình có tội gì đâu mà phải xưng sao? Cái cách giữ đạo kiểu “không nóng- không lạnh” của chúng ta chẳng phải là kiêu ngạo sao? Chẳng phải biết bao lần chúng ta đứng trước mặt Chúa kể lể trước Chúa và mọi người về những gì chúng ta đóng góp cho giáo xứ, giúp đỡ người nghèo, tham gia các hội đoàn, đọc kinh khuyên nhủ người ta trở lại với Chúa … chúng ta cảm thấy an tâm, hãnh diện như người Pharisiêu kia sao? Thật đáng buồn khi nhiều người trong chúng ta không nhận thức được bản thân mình đang chịu ảnh hưởng của lối sống vô thần và thường cũng không nhận ra những tội trạng liên quan đến nó. Và thế là “khiêm tốn” trước Chúa dần dần cũng đi vào quên lãng, khiêm tốn với người lại càng trở thành “huyền thoại”. Thật đấy, cứ thử ngẫm mà xem. Vì thế nhất định từng giờ từng phút chúng ta phải nhớ rõ chính mình đã làm được gì,có được những gì… quan trọng nhất là thấy được rõ bản chất của mình, chỗ đứng của mình trong làn ranh của kiêu ngạo- khiêm tốn rồi dũng cảm mà điều chỉnh mình, thay đổi cái có thể trở thành bản án kết tội chính mình.
Thật ra, khi chúng ta phân tích hay nhận định về khía cạnh: Kiêu ngạo- khiêm tốn nơi một con người, chúng ta cảm thấy tương đối dễ dàng phân biệt được rạch ròi nhưng trong cuộc sống xem ra nó lại thật mông lung, như có như không. Một con người dù ở thời đại nào, sống nơi đâu, thuộc giai cấp nào, nghề nghiệp gì…thì tinh thần “kiêu ngạo biệt phái” cũng tồn tại, chỉ là cách thể hiện ra khéo léo hay huynh hoang nhiều ít mà thôi. Có ai đó đã nói, con người khi còn trẻ thường luôn ngẩng cao đầu, tự cao tự đại, khinh thường những thứ bản thân cho là hèn mọn, bỏ qua nhưng người bị coi là “sống phí tài nguyên”… để rồi nhiều năm qua đi mới có thể biết rằng những thứ trân quý của cuộc đời đã từng ở rất gần mình, những tấm lòng chân chính đã từng luôn bao dung mình… chỉ tiếc là bởi vì bản thân lúc ấy phóng tầm mắt đi xa quá mà xem nhẹ, ơ hờ để rồi tiếc nuối.
Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu Côrintô hãy năng xét mình để ngăn chặn chứng bệnh kiêu ngạo của chủ nghĩa Pharisiêu hầu xứng đáng phục vụ Chúa và mọi người. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta biết “biết mình” và dưới sự trợ giúp của ơn Chúa chúng ta có thể dần dần phá vỡ ảo tưởng của mình, ngày càng trở nên biết khiêm tốn hơn, nên người thật hơn, tròn đầy hơn… hầu có thể đón nhận những điều đẹp đẽ mà cuộc sống mang lại, cũng tránh được những hối tiếc khi nhắm mắt lìa đời.
Nt. Rosa Cẩm Hồng
HD. MTG. Xuân Lộc
0 nhận xét:
Post a Comment