• Latest News

    Tuesday, May 2, 2017

    Những bài suy niệm tháng Hoa hướng về Đại Hội hành hương 31/5/2017

    Những bài suy niệm tháng Hoa hướng về Đại Hội hành hương 31/5/2017





    NỮ VƯƠNG CÁC GIA ĐÌNH
    Chủ đề : Người bảo gì hãy làm theo
    Lời Chúa:  Ga 2, 1-5
    Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo“.
    Bài suy niệm thứ nhất. Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới.
    Tình yêu của đôi bạn nam nữ, đặt biệt là tình vợ chồng được Mạc Khải hết sức trân trọng. Ngay từ những chương đầu của Kinh Thánh, sách Sáng thế đã dạy rằng « người nam sẽ bỏ cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt » (St 2, 24). Lời này được Chúa Giêsu trích lại khi tranh luận với những người Biệt phái (Mt19,1-9). Tình yêu này cao trọng đến mức được dùng để minh họa Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và đôi hôn nhân được mời gọi để rập khuôn theo Tình Yêu mà họ là chứng tá : đó là hai bên học tự hiến cho nhau, hy sinh cho nhau theo khuôn mẫu của Đức Kitô : « không có tình yêu nào cao trọng bằng tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình » (Ga 15, 13).
    Trong tiệc cưới hôm ấy tại Cana có sự hiện diện của Đức Mẹ. Tin Mừng chỉ ghi nhận rằng Mẹ ở đó, không nói rõ là Mẹ đến với tư cách nào. Trong khi đó, Chúa và các môn đệ thì được nói rõ là các Ngài được mời. Có thể Mẹ có mặt ở đó như một vị khách mời, nhưng cũng có thể Mẹ đến ở đó như một người phục vụ đến giúp gia đình của đôi tân hôn, như Mẹ cũng đã đến chăm sóc đỡ đần bà Elizabeth trước đó ba mươi năm. Dù Kinh Thánh không ghi lại, nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ rằng nhiều lần khác Mẹ có mặt nơi này nơi kia như người phục vụ.
    Đôi bạn trẻ không chỉ có may mắn được Mẹ hiện hiện, nhưng họ cũng còn được vinh dự đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài nữa. Các Ngài hiện diện ở đó và đồng bàn với thực khách để làm nên một cộng đoàn. Hơn nữa, có thể nói rằng tình yêu của đôi trẻ ở Cana được Chúa và Mẹ chúc phúc. Nhờ phúc lành của Chúa, hôn nhân được nâng lên hàng bí tích. « Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly ». Đức Giêsu không chỉ trả lại cho hôn nhân sự tốt lành ban đầu, nhưng Ngài ban cho nó một địa vị mới. Người còn là Tân Lang của Giáo Hội.
    Tiệc cưới được Tân Ước nhiều lần đề cập đến để nói về hôn lễ của Con Chiên và Hiền Thê là Giáo Hội. Đức Kitô là Hôn phu của Giao Ước mới. « Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình và cả hai nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh » (Ep 5, 31-32). Đây là thực tại linh thánh, không chỉ thuần túy là khế ước xã hội hay thế tục mà thôi.
    Ước gì chúng ta luôn biết đáp lại lời mời gọi của Chúa và Giáo Hội để sống xứng đàng hơn với ơn gọi của mình đã lãnh nhận trong ngày cử hành Bí tích Hôn Phối.
    Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành, xin đến ở với gia đình chúng con.
    ————————————-
    Bài suy niệm thứ hai. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”.
    Đám cưới của người Do Thái là cuộc vui kéo dài cả tuần. Rất nhiều khách được mời. Gia chủ phải chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt cần nhiều rượu. Ngày hôm nay chúng ta không quá lo lắng khi hết rượu giữa chừng, chỉ cần một cú điện thoại là các thứ nước uống lại đầy. Nhưng chuyện hết rượu đối với gia đình trẻ ngày ấy là tai họa. Tìm đâu ra cho được số lượng rượu nhiều như thế ? Cuộc vui sẽ chấm dứt, khách mời sẽ bỏ về, gia chủ sẽ mất mặt.
    May mắn thay cho họ, Đức Maria hiện diện ở đó. Mẹ là người tinh tế. Cũng có thể vì Mẹ là người đến phục vụ nên Mẹ nhanh chóng nhận ra tai họa hơn những người khác. Còn nếu như Mẹ là khách mời, đôi bạn trẻ hết sức may mắn khi có một vị khách hết sức tinh tế như thế. Mẹ nói nhỏ với Chúa : “Họ hết rượu rồi”, như một lời nài xin kín đáo.
    Sau tiệc cưới là cuộc sống gia đình. Ngày mới cưới, tình yêu của đôi bạn nồng thắm như ly rượu tân hôn. Nhưng rồi, rượu có thể nhạt, tình có thể phai. Men tình cũng như men rượu, nó làm cho người ta say mê,  ngất ngây. Nhưng nó cũng có thể nhạt. Rạn nứt, đổ vỡ, ly dị khi men tình cạn. Khi ngọn lữa tình yêu đã tắt, hạnh phúc gia đình bị đe dọa. Tai họa này còn trầm trọng hơn tai họa thiếu rượu. Nó là hệ quả của những khủng hoảng mà các gia đình phải đối diện : ích kỷ, hưởng thụ, say mê tiện ích…
    Mẹ hiện diện ở đó. Mẹ có thể nhìn thấy. Hãy để Mẹ xin giúp với Chúa Giêsu con của Mẹ. Mẹ là khách mời, Mẹ là Đấng Bảo Trợ. Hãy xin Mẹ hiện diện để canh chừng những gì có thể gây phương hại đến hạnh phúc gia đình.
    Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành, là Nữ Vương của gia đình chúng con, xin cầu cùng Chúa cho chúng con.
    —————————————————
    Bài suy niệm thứ ba. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, con với bà có can chi đâu, giờ con chưa đến”.
    Hỡi bà. Con với bà có can chi đâu » : chúng ta có thể bối rối về cung giọng và nội dung của câu nói này. Trước hết, dường như Chúa xưng hô với Mẹ của Ngài bằng cách thức ít nhiều xa lạ. Thứ đến, nội dung của nó có thể được hiểu bằng nhiều cách : bà có phải là người nói cho tôi biết những gì tôi phải làm ? hoặc là chuyện này có can chi đến bà và tôi ?
    Phần tiếp theo của câu nói, « Giờ con chưa đến », cho chúng ta ánh sáng để hiểu thêm lời của Chúa. « Giờ » mà Chúa đề cập đến ở đây nói về thánh ý Chúa Cha. Vì thánh ý này mà Chúa Con đến trần gian. Sứ mạng của Ngài, mục đích của Ngài là hoàn tất thánh ý Cha vào giờ đã định.
    Chúa Con đến theo giờ và theo chương trình của Chúa Cha. Ngài không làm theo ý riêng mình, như Ngài sẽ nói với các môn đệ bên bờ giếng Gia-cóp : « lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đáng đã sai Thầy » (Ga 4, 34). Ngài xem ý Cha là ý mình. Không ai có thể can thiệp và thay đổi. Vì thế mà bao lâu giờ Ngài chưa đến  thì mọi toan tính hoặc âm mưu của con người đều vô hiệu. Tin Mừng Gioan đã nhiều lần nói đến điều này : « bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến » (Ga 7,30 ), rồi chỗ khác « không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến » (8,20). Ngài « rời bỏ thế gian này mà về cùng Cha » cũng theo giờ đã định trước  (13,1). Như thế, giờ mà Chúa đang nói đến chỉ về một tiến trình được thiết lập từ muôn đời, một chương trình được vạch ra một cách sít sao. Mỗi giờ mỗi khắc đều hướng đến vinh quang.
    Có thể trong gia đình mình, chúng ta chưa nhận ra « giờ » của Chúa, hay chưa thấy ý Chúa thể hiện. Hãy nhờ Mẹ can thiệp cùng con Mẹ để « nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời ».
    Hoặc cũng có thể chúng ta đã cầu nhiều, xin nhiều, nhưng không kết quả. Hãy nhờ Mẹ xin. Dù Chúa có thể chậm trễ, chối từ vì giờ chưa đến. Nhưng hiệu lực của lời cầu xin của Mẹ thật lạ lùng !
    Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành, xin dạy cho chúng con biết tuân phục thánh ý của Thiên Chúa.
    ————————————————
    Bài suy niệm thứ tư. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”.
    Sau khi kín đáo xin Chúa Giêsu và nhận được câu trả lời không « mặn mà » lắm, Mẹ hướng về những người giúp việc và nhắn nhủ họ : « hễ Người bảo gì, thì hãy làm theo ». Có lẽ sau câu nói này, Mẹ ít nhiều phấp phỏng. Lo âu của gia chủ cũng là lo âu của Mẹ, sự bối rối của các người phục vụ cũng là sự bối rối của Mẹ.
    Mẹ hy vọng con mình có thể can thiệp để giúp gia chủ thoát khỏi tình trạng nguy ngập này. Nhưng liệu con có làm theo lời xin của mình không ? Nếu có, điều con sắp làm, chính Mẹ cũng chưa hình dung rõ ràng được. Giây phút lo lắng qua đi khi Mẹ được đền đáp. Quả thật, Đức Giêsu làm theo lời xin của Mẹ. Ngài can thiệp như Mẹ tiên đoán.
    Đúng là Chúa Con phải vâng phục thánh ý Cha trên trời, nhưng Ngài cũng hết lòng thảo hiếu người Mẹ dưới đất. Làm thế nào để dung hòa ? May mắn thay cho chúng ta: thánh ý Chúa Cha, đó là con người được sống và sống dồi dào, mọi người được cứu độ, ước muốn của Mẹ, đó là mọi người được hạnh phúc. Mẹ đã từng thưa “xin vâng” theo thánh ý Thiên Chúa qua lời đáp với thiên thần Gabriel trong ngày truyền tin. Không riêng gì con Mẹ, nhưng cả Mẹ nữa cũng phải vâng phục thánh ý Chúa Cha. Lời Mẹ cầu xin cùng con, cũng là lời vâng theo Thiên Ý. Vì thế, con của Mẹ đã ưng thuận, để cứu gia chủ Ngài đã làm phép lạ. Chúa truyền lệnh và gia nhân làm theo lời ngài. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên nầy tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Sau này, thánh Irênê sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng vinh quang của Thiên Chúa là sự sống con người.
    Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa : « Họ hết rượu rồi ». Rượu này không phải để uống mà để sống, rượu này không phải để ngất ngây chốc lát, nhưng để duy trì bầu khí hạnh phúc của gia đình trên đường dương thế. Tình cảnh của nhiều gia đình quả đang khó khăn. Vẫn có đó những bất hòa, ly tán, con cái không vâng lời, cha mẹ không đề huề, bao nhiêu đe dọa đến từ bên ngoài và bên trong… Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp vẫn hiện diện ở đó để che chở. Mẹ cầu xin với Chúa cho mỗi mái ấm. Người sẵn sàng can thiệp để giúp chúng ta. Hãy vâng nghe lời Người.
    Người dạy bảo chúng ta trước hết qua Kinh Thánh và qua Giáo huấn của Giáo Hội, sau đó còn qua lời hay ý đẹp của người xung quanh, qua những người quen biết và người giúp việc, qua những tiếng thì thầm… Nhưng bao nhiêu lần chúng ta đã không nghe ra ?
    Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành, xin giúp chúng con nghe ra tiếng Con của Mẹ và mau mắn làm theo lời dạy bảo của Ngài.
    Pet. Phan Tấn Khánh
    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 nhận xét:

    Post a Comment

    Item Reviewed: Những bài suy niệm tháng Hoa hướng về Đại Hội hành hương 31/5/2017 Rating: 5 Reviewed By: GIA ĐÌNH ƠN GỌI
    Scroll to Top