• Latest News

    Friday, August 20, 2021

    Cha Thân Mến - Chương III

     



    III. CHÚNG TÔI LIÊN CAN GÌ TỚI CÁC CHA!

    " Một linh mục là món quà mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại".

    Cha thân mến,

    Con vẫn nhớ những tháng ngày ấy khi mà thành phố Saint Petersburg không còn bóng dáng một linh mục nào. Vào những ngày đầu của Cuộc Cách Mạng, khi mọi thứ đang chao đảo, giống như rất nhiều chức sắc khác, các linh mục sẽ bị bắn chết ngay lập tức nếu chẳng may bị phát hiện. Các Rabbi Do thái, các mục sư tin lành, các linh mục chính thống, tất cả đều bị bắn hoặc bị thủ tiêu bằng cách này hay cách khác.

    Con vẫn nhớ, khi ấy chỉ còn sót lại một xứ đạo cỏn con hẻo lánh. Biết vậy, chúng con đã lén đến đó trong đêm khuya để tham dự thánh lễ. Một đêm nọ, khi cha chủ tế vừa mới truyền phép bánh lễ xong, thì đột nhiên cánh cửa bị mở tung, một họng súng xuyên qua, một viên đạn phóng tới, và vị linh mục của chúng con đã ngã gục, ngài ra đi mãi mãi. Bánh lễ đã được làm phép văng tung toé trên sàn nhà. Hai tên lính tiến lại, chúng giày xéo Thánh Thể dưới gót giày rồi quay ra mà rằng "Ơ, Thiên Chúa của tụi bay đâu rồi? A, thì ra ông ta đang nằm dưới đế giày của tụi ta đây này!"

    Một bác cao niên đã đáp lại chúng "Lạy Chúa, xin tha cho họ dẫu họ biết rất rõ việc họ làm". Nghe vậy, không hiểu vì xấu hổ hay mất mặt, hai tên lính đã rời khỏi nhà thờ. Bác ấy đã cho chúng con hiệp lễ bằng những mảnh còn sót lại của Thân Mình Đức Kito. Hiệp lễ xong, chúng con an táng vị linh mục xấu số và ra về.

    Rồi những ngày sau đó chẳng còn gì nữa cả! Không còn ai ngồi toà và ban ơn xá giải. Chẳng còn ai đem của ăn đàng và cử hành các nghi thức sau cùng. Không còn ai dâng lễ... Bất cứ ai đã trải qua tấn bi kịch ấy đều sẽ hiểu rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu như một ngày không còn vị linh mục nào cả. Con không bao giờ nghĩ mình sẽ sống mà chứng kiến cái ngày các giáo xứ phải đóng cửa, các tu viện bị rao bán vì thiếu ơn gọi và vì người ta bỏ đời tu.

    Vì thế, khi con thấy trên báo đài xuất hiện những câu hỏi đại loại như: mấy ông cha thì có liên quan gì đến thế giới hiện đại của chúng ta cơ chứ?", thì con như chết lặng, con chỉ biết lặng lẽ khóc, tiếng khóc nấc lên từ sâu thẳm tâm hồn con. Con nài xin Chúa Kito hãy dùng " nước bọt" của ân sủng Người mà chữa lành đôi mắt và đôi tai của những ai đã đặt ra những câu hỏi như thế, ngõ hầu họ sẽ không còn là những kẻ "có tai mà chẳng biết nghe, có mắt mà chẳng thèm nhìn" nữa, rồi họ sẽ trở thành nhân chứng và những người tin.

    Con đã tìm đến Kinh Thánh để cầu nguyện với ý chỉ này, con đã dùng sách Công Vụ Tông Đồ, chương 6, đoạn có tựa đề "Các sứ vụ ban đầu" để cầu nguyện:

                Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.  Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa."

    Trình thuật trên tiếp tục với việc hội đồng tán thưởng ý kiến đó và bảy người đã được chọn (con nghĩ các phó tế nữ cũng đã được chọn cùng với các phó tế nam để cùng nhau chu toàn công việc này). Sách Công vụ Tông đồ kể tiếp, Lời Chúa lan rộng khắp nơi, số các môn đệ ở Gierusalem không ngừng gia tăng, và có một số rất đông các tư tế đón nhận đức tin.

    Vậy mà chẳng hiểu sao người ta có thể hỏi, linh mục thì có liên quan gì đến cái thế giới tục hóa, bè phái, buông thả và lộn tùng phèo mà chúng ta đang sống đây? Sao họ có thể hỏi như vậy?

    Hy lạp, Rôma, Alexandria và Antiokhia cùng với các thủ phủ khác thời bấy giờ cũng không khác lắm với những đô thị lớn của chúng ta ngày nay. Thật vậy, người ta đã thờ phượng các thần ngoại, cũng tục hoá và đã rất buông thả. Trong xã hội ấy, chế độ nô lệ được chấp nhận và làm cho tầng lớp thị dân dược thoải mái hơn. Một xã hội đúng nghĩa thời ấy được cân đo chủ yếu bằng các lối sống suy đồi và lệch lạc tính dục.

    Nhưng tình trạng đó đã được biến đổi nhờ vào mười hai người đàn ông rất đỗi bình thường, những người rất ít học, được thụ huấn theo một cách lạ lùng chưa từng thấy so với cơ chế đào tạo các tư tế đương thời: họ chỉ đồng hành với Chúa trong ba năm. Những người đàn ông ấy dường như còn chẳng thèm bận tâm đến tính liên đới của ơn gọi mà mình lãnh nhận.

    Nhưng họ biết rõ mình có liên đới. Họ biết rõ vai trò của mình là gì và họ biết mình là ai. Tất cả gói gọn trong một nhận thức sâu sắc rằng họ phải loan báo Tin Mừng. Chính điều đó, và chỉ có điều đó, là công việc của họ. Họ ý thức mình phải rao giảng Lời và cử hành Thánh Thể. Nhưng trước đó, họ đã được chính Chúa huấn luyện, Người đã đào tạo họ và ban cho họ Thần Khí Khôn Ngoan để họ nhận ra căn tính của mình giữa lòng Hội Thánh.

    Vậy các linh mục có liên quan gì với thế giới hiện đại của chúng ta không? Câu hỏi này tiếp tục khiến con bàng hoàng nghĩ đến bản chất hiện hữu của mình. Con, một người hành hương của Chúa, là kẻ đã đi gần hết lục địa Nam Mỹ này, đã dành cả đời mình trong những phố xá Harlems, trong các khu ổ chuột, nơi những miền quê đói khổ, giữa đám dân hippi và những người chống lại mọi quy ước xã hội, xung quanh con luôn có người trẻ, luôn có các linh mục và những chàng trai đang tu học để làm linh mục đồng hành. Con đã phát biểu và giảng dạy ở rất nhiều nơi nhưng con cũng là người phải lắng nghe. Hàng năm có khoảng 28 000 lá thư được gửi đến bàn làm việc của con. Thế thì đâu là hoa trái của tất cả những nỗ lực lắng nghe và trò truyện ấy?

    Với con, nếu phải nói đến một nỗi đau mà dường như vượt trên mọi cơn đau, thì đó là khi con chứng kiến một linh mục quên mất ngài là ai. Đó là nỗi đau của chúng con khi chúng con kêu đến ngài mà ngài chẳng nghe: "nghe này, cha thân mến, chúng con không cần cha phải là một nhà tâm lý. Chúng con không đòi cha phải là thần học gia". Cha là một linh mục.

    Cha có một căn tính; cha đã mang trong mình một sứ mạng, một vai trò. Chừng nào cha còn mải mê tìm kiếm căn tính và vai trò của mình thì chúng con đây còn bị bỏ lại trong sa mạc, dưới cái nắng oi ả mà chẳng có lấy một giọt nước, không một chút mana. Phải, đích thân Thiên Chúa sẽ đến mà an ủi chúng con nhưng Người sẽ khóc thương cha. Phần cha, giống như thánh Gioan Tẩy Giả, cha phải nhỏ lại, nhưng trong Đức Kito, cha cũng đồng thời lớn lên khi cha cho phép Người được lớn lên trong cha.

    Đã đến lúc, và nhất là trong nền văn hoá của chúng ta hiện nay, chúng ta phải thôi chứng tỏ điều này điều nọ. Một linh mục hãy thôi tỏ ra mình hữu ích, hãy thôi chứng tỏ mình liên đới và được việc. Ngài hãy thôi sử dụng những từ ngữ bóng bẩy song chẳng có ý nghĩa gì cả, giáo dân chúng con nghe xong rồi thì cũng tai nọ xọ tai kia ngay thôi. Có thể trong phút chốc người ta sẽ gật gù đồng ý với ngài nhưng sau thời gian cầu nguyện, thậm chí chẳng cần chú tâm cầu nguyện, họ sẽ nhận ra có gì đó không ổn. Nó là cái gì vậy? Có điều gì không đúng?

    Câu trả lời đơn giản đến nỗi con có thể tự cho phép mình tiết lộ một vài sự thật về bản thân, cho phép mình chứng tỏ rằng mình am hiểu với một vốn kiến thức mà chẳng ai có thể lây đi được, rằng nếu có một ai đó liên đới với thế giới hôm nay thì đó phải là một linh mục.

    Thế giới này đang đói khát Tin Mừng của Chúa. Nó đang khát khao sự thật, tình yêu, một đời sống có nghĩa, niềm hy vọng, niềm tin và tình bác ái. Thế giới của chúng ta đang đói lương thực - nó đói Thánh Thể Chúa. Thực ra, chúng ta cũng đang thiếu lương thực, thật vậy, có hàng triệu người đang cần cơm bánh, họ không có lương thực hàng ngày. Tuy nhiên, con xin nhắc lại, từ kinh nghiệm sâu thẳm và nỗi đau tột cùng của mình, thế giới hôm nay đang đói sự thật, đang khát Thiên Chúa và Tin Mừng của Người hơn gấp nhiều lần so với cơn đói lương thực hàng ngày.

    Cách nào đó, các linh mục hôm nay cũng phải quy tụ lại với nhau như Nhóm Mười Hai đã làm khi xưa, "vậy, Nhóm Mười Hai họp nhau lại và bàn bạc". Trong cuộc họp liên quan đến các môn đệ của Chúa hôm ấy, các ngài đã nói gì? Thưa, các ngài đã khẳng định " chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải".

    Khi những lời ấy ăn sâu vào con tim của các linh mục hôm nay, các ngài sẽ biết mình có liên quan gì với thế giới hiện đại này. Nhóm Mười Hai nói tiếp: " chúng tôi sẽ đặt tay trên họ ( những giáo dân được chọn) và sẽ cắt đặt họ làm công việc đó (chuyện ăn uống trong cộng đoàn), còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa".

    Ôi, giá như các linh mục của chúng ta đã đến rao giảng Tin Mừng trong từng góc phố, trên những phố chợ xa xăm hay những diễn đàn đông đúc, nơi những quảng trường nhỏ bé có những gã giang hồ và những cô gái làng chơi đang trú mát vào một ngày nắng trong các thành phố lớn của chúng ta. Giá như các ngài đã rao giảng Lời ở các quầy ba hay tiệm cà-fê nơi thiên hạ vẫn bâng quơ ghé đến hàng ngày. Giá như các ngài đã giảng dạy trong các trại ghetto tập trung và trên những đại lộ phố thị, nơi các thị trấn,  những bản làng, và những miền đất bao la của chúng ta. Giá như các ngài đã rao giảng cho anh tài xế trong một cuốc xe quá giang giữa hành trình trong đêm, khi đang trên chiếc thuyền sắp bị bão đánh tan tành, khi có mặt trong một công xưởng vào giờ ăn trưa, cũng như trong các giáo đường.

    Nếu các linh mục cầu nguyện và xin ơn can đảm để rao giảng Tin Mừng trong những hoàn cảnh như thế, thì sẽ chẳng còn ai nghi ngờ về tính liên đới của các ngài với thế giới hôm nay nữa! Đám đông sẽ đi theo các ngài và căn tính của các ngài sẽ thực sự được tỏ lộ, vì Người Con của Chân Lý sẽ soi sáng cho họ.

    Trong tất cả các tác phẩm được xuất bản nói về các linh mục, có rất ít cuốn sách đề cập đến việc "cầu nguyện" hay "phục vụ Lời" của các ngài. Hầu hết chúng chỉ nói đến việc "chăm lo cho các bà goá", một việc mà thời nay chúng ta có vô vàn cách hiểu.

    Không một ai liên đới với chúng con hơn một linh mục, người hiểu rõ vai trò của mình là tôi tớ của Lời, là người có thể trao Thiên Chúa cho chúng con dưới hình Bánh và Rượu. Và nhờ đó chúng con, người giáo dân, có thể được no thoả bởi ơn khôn ngoan là ơn cân thiết để chúng con yêu thương và phục vụ người anh em bằng hữu, như các nam nữ phó tế của Hội Thánh thời sơ khai đã làm.

    Con muốn dâng lời nguyện này cho các linh mục: " Lạy Chúa Giêsu, ước chi đôi mắt mọi linh mục của Chúa có thể mở ra với sự thật, ước chi đôi tai các ngài được mở ra để nghe thấy đâu là nơi đang cần các ngài liên đới. Các ngài liên đới với chúng con vì các ngài là chính Chúa. Amen!".

    Catherine Doherty, một nữ giáo dân.

     PHƯƠNG NGUYỄN Dịch

     

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 nhận xét:

    Post a Comment

    Item Reviewed: Cha Thân Mến - Chương III Rating: 5 Reviewed By: GIA ĐÌNH ƠN GỌI
    Scroll to Top