NHƯ MỘT DẤU CHỈ
Đang lướt facebook một chút sau trưa, một người anh lâu ngày chợt gửi cho mình một tin nhắn với nội dung thế này: "Thầy, cho con xin bài suy niệm Tin Mừng Chúa nhật hôm nay ạ". Đọc xong mình bất ngờ vì hai điều: Tại sao là yêu cầu đó? Và chưa bao giờ là những câu từ như thế khi anh em nói chuyện với nhau, có lẽ ảnh trêu mình.... Nhưng dù sao, đó chắc chắn là một dấu chỉ, cái tin nhắn bất chợt ấy...
Vậy thì mình chẳng có lý do gì để từ chối, song lần này không phải là một bài suy niệm vì mình chưa đủ khả năng. Giờ đây Chúa bảo tôi kể lại câu chuyện của mình: Con là ai? Và, con đã làm những gì?
Trnh thuật Maccô hôm nay ngay từ đầu đã nhắc đến các môn đệ của Đức Giêsu. Điều này dễ khiến người ta quên mất gương mặt quan trọng hơn, nhân vật chính, là Giêsu. Mặt khác, người đọc cũng dễ dàng bỏ qua bóng dáng ẩn khuất của đám đông xa xa đang lũ lượt, người đi thuyền, kẻ đi bộ, người cưỡi lừa, kéo đến với ông Giêsu ấy.
Giêsu mới là nhân vật chính, những kẻ đang đua nhau kéo đến với Giêsu mới là những người cần được quan tâm. Quả thực, chính Đức Giêsu đã sai các môn đệ đi rao giảng, chính Người là nơi họ quy tụ về, Giêsu cũng là người chủ động khuyên các môn đệ đi tìm một nơi thanh tịnh mà nghỉ ngơi cho lại sức, chính Người đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông dân chúng bơ vơ vất vưởng. Nhưng hôm nay, mình muốn kể về "những nhân vật phụ", hay đúng hơn là một người trong số đó, là chính mình, kẻ đang tập theo Giêsu, kẻ đứng xa xa nghe Người giảng dạy, rồi rón rén đi sau... Kẻ đó là ai?
Việc trả lời cho câu hỏi trên xem ra là một tham vọng, bởi lẽ hàng ngàn năm nay con người vẫn không thể giải mã được về chính mình. Thật vậy, họ vẫn bế tắc rồi tự hỏi: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Tôi sẽ đi về đâu? Cho nên ở đây, mình chỉ trả lời cho chính mình trong khung cảnh của đoạn Phúc Âm hôm nay, rằng tôi là kẻ ở trong nhóm môn đệ nhưng chỉ đang đứng xa xa Giêsu và có khi xa cả đám đông đang ùn ùn kéo đến với Người. Vâng, mình là một người như thế đó. Giữa cơn đại dịch đang gây bao đau thương này, mình chẳng làm được gì cho ai. Mang tiếng là môn đệ Giêsu nhưng mình không được như các anh em khác, những người sau những ngày dài rong ruổi rao giảng Tin mừng, thực thi bác ái, chữa lành thương tật, củng cố lòng tin...cho tha nhân, đang quây quần bên Thầy. Hôm nay mình cũng trở về với Thầy, nhưng khác với những anh em đang tranh nhau kể cho Thầy nghe những chuyện tốt lành họ đã làm, mình chỉ đứng yên và lắng nghe rồi cười thật tươi mừng cho người anh em mình, nhưng cũng có lúc lòng nặng trĩu vì thấy mình thấp kém, nhất là khi nghe anh em kể lại chuyện họ đã được dân chúng tán thưởng ra sao, rồi ai cũng dò hỏi xem họ là môn đệ của vị Rabbi nào. Đó là mình trong khung cảnh của bài Phúc Âm này, và, xem ra, tôi chỉ được an ủi khi nghe anh em nói về những khó khăn và thất bại của họ vì ít ra mình cũng có điểm giống. Phần bạn, bạn thấy mình là ai khi đọc bài Tin mừng này?
Câu trả lời chưa dừng lại ở đó. Thật vậy, cho tới khi thấy Thầy đưa mắt nhìn và nói: "cả con nữa, con cũng nghỉ ngơi chút đi!", thì tôi, người môn đệ tự ti ấy mới bừng tỉnh... Thầy vẫn nhớ đến tôi, dù tôi chẳng làm được công trạng gì! Tôi không làm được gì so với các chiến sĩ áo xanh, áo trắng đang gồng mình bên những chốt trạm kiểm dịch, bên những rào kẽm gai phong toả, dưới cơn mưa miền Nam cứ ồ ạt hay trong cái nắng cháy da của miền Bắc đương hạ. Tôi chẳng đóng góp được gì so với bao anh chị em khác đang ngày đêm quyên góp và vận chuyển hàng tấn thực phẩm lẫn hàng tỷ hiện kim hỗ trợ các vùng dịch. Còn tôi, điều duy nhất tôi có thể làm lúc này là kiên trì cầu nguyện và tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Thế nhưng, trong chính sự thua kém ấy, tôi cũng đồng thời nhận ra mình là người môn đệ được yêu thương. Vậy là đủ. Đức Giêsu đã muốn các môn đệ nghỉ ngơi, Người muốn những ai đang dốc sức chống dịch được mau về nhà hay ít ra là có thể ngủ một giấc đàng hoàng, Người cũng muốn những ai đang phải điều trị, những người đang phải cách ly, và những ai đang gánh chịu hậu quả của dịch bệnh, tất cả, mau chóng bình an. Giêsu đã muốn điều đó, nhưng vì sao nó dường như vẫn chưa đến?
Thầy trò hôm ấy đã chẳng nghỉ ngơi được chút nào khi mà dân chúng cứ ùn ùn tuôn đến. Các ngài còn chẳng kịp ăn uống. Phải chăng dân chúng là nguyên nhân khiến cho sự mỏi mệt cứ đeo đẳng nơi người môn đệ? Phải chăng nhu cầu của người khác tước mất sự bình yên của chúng ta? Phải chăng, tôi là người đang gây phiền toái cho anh em? Có lẽ vậy. Nhưng không phải thế. Vấn đề của tôi trên hành trình khám phá chính mình đó là, tôi đã nghỉ quá nhiều, một 'cái nghỉ' lê thê đến chây lười. Đức Giêsu và các môn đệ đã tiếp tục phục vụ trong hân hoan, y như cảm xúc khi họ vừa tề tựu sau những ngày sứ vụ. Người ta không tìm thấy một lời than trách ở đây. Nhu cầu của dân chúng không bao giờ là vấn đề làm nhụt chí người môn đệ. Ù lì và chây lười mới là thủ phạm khiến người ta không gặp được chính mình. Niềm vui của các môn đệ hôm ấy chắc chắn đã kéo dài, đến nỗi nó trở thành một dấu ấn không thể phai mờ, để rồi sau đó những Phêrô, những Andrê, những Gioan, Giacôbê, Phaolô... đã không mỏi mệt đi ra làm chứng cho Giêsu Nazareth, kẻ đã bị người đời giết chết nhưng nay đang sống. Còn bạn, bạn có đang mỏi mệt trước bao khó khăn chồng chất hiện nay? Bạn có muốn rời xa những nhu cầu cần kíp của tha nhân? Bạn có vịn vào những quy định để khước từ người khác? Bạn có đang lười biếng?
Với những tra vấn và tự vấn ấy, mình bắt đầu tiến bước..
Tác giả: Phương Nguyễn
0 nhận xét:
Post a Comment