• Latest News

    Tuesday, August 24, 2021

    CHA THÂN MẾN- Chương V

     


    V. ĐỜI LINH MỤC VÀ SỰ CÔ ĐƠN

    "Linh mục là người thánh thiện vì ngài bước đi trước mặt Đấng Toàn Thiện".

    Cha thân mến,

    Đối với con, cảm giác cô đơn mà một linh mục phải gánh chịu lại là một đặc ân. Đâu đó ta vẫn bắt gặp một linh mục tất bật trong những thành phố đông đúc như Toronto, New York hay Chicago. Ngài dường như chẳng để tâm mấy đến bản thân và thậm chí còn chẳng hiểu nổi nỗi cô đơn mà ngài đang trải qua đến từ bản thân mình hay từ Thiên Chúa. Rồi đến khi ngài nhận ra nó đến từ Thiên Chúa, thì cũng là lúc những chuyện kỳ lạ xảy đến. Cả giáo xứ và mọi người sẽ chế nhạo ngài.

    Dù thế nào thì chúng ta ai cũng phải gánh chịu nỗi cô đơn của riêng mình. Thoạt tiên, chúng ta cô đơn là bởi vì bị tách rời khỏi Thiên Chúa. Thánh Âutinh đã từng nói:" linh hồn con khắc khoải khôn nguôi cho đến khi được nghỉ yên trong ngài". Hay, Thánh vịnh gia cũng đã thốt lên: "Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa".

    Đối với Thiên Chúa, chúng ta rất quý giá. Người ước mong được nên một với chúng ta - bằng một tình yêu cá vị. Dù chúng ta có nhận ra điều đó vào thuở thanh xuân hay đến thời bóng ngả thì trong chúng ta vẫn luôn tồn tại một khu vườn cửa đóng then cài, một lãnh địa của riêng ta không một ai có thể xâm nhập vào, một nỗi cô đơn không một ai có thể thoả lấp và một sự khắc khoải chẳng người nào có thể làm thoả mãn.

    Một kinh nghiệm về cô đơn như thế thực sự là tiếng gọi của Thánh Thần vọng lên từ sâu thẳm tâm hồn ta, Người phán: " Trái tim và tâm trí con chẳng bao giờ yên cả, con cứ lăng xăng chạy khắp đó đây, khắp cùng thế giới. Còn những khát vọng của con thì cứ sục sôi, cuộn trào. Thôi, con hãy dừng lại đi, hãy buông bỏ những khát vọng ấy, hãy ngừng lại, hãy buông nhẹ để mình trôi vào miền đất nội tâm, cho đến khi con được nghỉ yên trong Ta, vì chẳng ai khác ngoài Ta có thể thoả mãn nỗi khắc khoải của con".

    "Không ai ngoại trừ Ta có thể kéo con ra khỏi sự cô đơn ấy. Khi con tìm gặp và ôm lấy Ta - Thiên Chúa của con - con sẽ chẳng còn cô đơn nữa. Chỉ mình Ta mới có thể thoả mãn trái tim con và cứu con ra khỏi cơn tuyệt vọng này. Con được dựng nên cho Ta và vì thế luôn có một khoảng trống trong con mà chẳng một ai khác có thể bước vào. Nó được dành riêng cho Ta. Đó là nơi ta cư ngụ, là nơi Ta đợi con hồi quy để gặp gỡ Ta, rồi ta sẽ hôn con bằng một nụ hôn nồng nàn".

    Rất nhiều người trong chúng ta khi đối mặt với sự cô đơn đã tìm cách bù trừ bằng những giải pháp sai lầm như tình dục, rượu chè, hút chích, hay vùi đầu vào công việc. Và chúng ta tưởng rằng hôn nhân sẽ có thể khoả lấp những khoảng trống mà sự cô đơn để lại. Vâng, con đã hai lần kết hôn và con xin khẳng định rằng một trong những nỗi đau lớn nhất của hôn nhân là con đã không bao giờ có thể hiểu thấu được tâm hồn của chồng mình. Trong tim anh ấy luôn có một nơi dành riêng cho Thiên Chúa và con không tài nào bước vào được. Anh ấy cũng vậy thôi, chồng con không bao giờ hiểu thấu được trái tim con dù có cố gắng đến mấy.

    Khi cầu nguyện, cha sẽ nhận ra rằng cô đơn là một món quà. Trong sự cô đơn, Thiên Chúa mời gọi cha tìm đến với Người. Thời gian sẽ trôi đi và sẽ đến lúc những thao thức của thời trai trẻ sẽ hết sục sôi, mắt cha sẽ hướng về chính mình, sẽ nhìn lại tâm hồn mình, nơi cõi thẳm sâu ấy, cha sẽ nhìn thấy ai đó đang đi dạo trong vườn. Cha sẽ thấy những dấu chân còn lưu lại trong trái tim mình và khi bước theo cha sẽ gặp Người, Người đang ngồi đợi cha...

    Vậy, khi nỗi cô đơn ập đến, khi cha chỉ muốn lẩn trốn trong một xó xỉnh nào đó, khi sự tự ái hất tung cha như những cơn sóng lớn đập vào bờ đầy sỏi đá khiến chúng vỡ vụn, thì khi đó, cha hãy nhắm mắt và lặp đi lặp lại rằng: "Trong tim ta, có một khu vườn cấm" (Dc 4,12). Khu vườn ấy chỉ dành riêng cho Chúa, những triều sóng cô đơn sẽ đưa cha đến đó, nơi mọi cảm xúc do tự ái, giận hờn và mọi thứ phản ứng tiêu cực khác gây nên sẽ tan biến. Vì một khi bước vào khu vườn ấy, cha sẽ nghe thấy những thanh âm diệu vời mà hiếm người được nghe, ngoại trừ người môn đệ đã tựa đầu vào ngực Chúa - Ga 13,25, những nhịp đập của trái tim Người.

    Thiên Chúa sẽ giải thoát cha. Người sẽ ban ơn để cha có thể thực sự tín thác vào tình yêu của Người. Thiên Chúa yêu chúng ta nhiều lắm! Nhưng, chúng ta có đáp lại tình yêu của Người không? Hay chúng ta chỉ vô tình lướt qua, như chiếc lá vội xa cành khi một cơn gió vụt qua, nó chao nghiêng xoay tròn rồi bay đến một nơi nào đó vô định? Thiên Chúa yêu chúng ta. Thế nhưng, chúng ta có yêu mến Người không? Đang khi đó, tình yêu là liều thuốc duy nhất để chữa lành sự cô đơn.

    Chúng ta là những kẻ bị xé tung, bị phân tán. Chúng ta cần được thâu thập và gắn kết lại. Nhờ cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta có thể tập hợp những mảnh ghép đang bị vương vãi tứ tung của mình lại mà trở nên trọn vẹn một lần nữa. Khi chung chia sự cô đơn của Đức Kito, bình an của Người sẽ chiếm lấy tôi, tôi và Người sẽ nên một...

    Vậy câu hỏi lúc này là, chúng ta tiếp cận nỗi cô đơn như thế nào? Liệu có nhất thiết phải ở với người khác hay đủ trưởng thành thì chúng ta mới bớt cô đơn?

    Chúng ta có thể dễ dàng giải quyết nỗi cô đơn một khi đã tập quen với nó. Bởi lẽ, xét cho cùng cô đơn là con đường dẫn đến Thiên Chúa, Đức Kito đã phải cô đơn tột cùng. Cha hãy hình dung mà xem, Ngôi Hai Cực Thánh đã cô đơn thế nào khi chấp nhận đến ở giữa chúng ta. Chỉ có một tình yêu vô tận mới có thể giúp Người chịu đựng được những kẻ như Philipphe, kẻ đã bị quở trách " đã ba năm trời anh ở với Thầy, thế mà anh chẳng hiểu gì sao!" Người cũng nhiều lần lặp lại những lời tương tự với các môn đệ khác. Hết Philiphe rồi đến Phero, một anh chàng bốc đồng, xốc nổi. Và, ngay cả Đức Mẹ cũng không hiểu hết được mọi sự. Mẹ chỉ đã ghi nhớ và suy niệm trong lòng.

    Con cho rằng Thiên Chúa cho chúng ta phải cô đơn hầu chúng ta biết tìm kiếm những thứ cao cả khác vốn vượt lên trên bạn bè, vợ chồng hay các cộng đoàn. Để rồi, nhờ đó ta có thể đi vào chương trình mà Người đã dành riêng cho ta. Kế hoạch đó không là gì khác ngoài việc làm cho ta nên một với Ba Ngôi vốn là cộng đoàn tự hữu và trước nhất. Rồi ta mới có thể làm một với nhân loại này.

    Khi cha là thành viên của một cộng đoàn, dù là một gia đình, một dòng tu, hay cộng đoàn tín hữu, thì cô đơn là một ân huệ từ Thiên Chúa. Bởi lẽ, đó sẽ là nơi mà cơn đói Thiên Chúa sẽ bùng lên, là nơi mà cơn khát Người sẽ rạo rực. Chúng ta sẽ bước đi trong tâm hồn mình, sẽ trỗi dậy mà tiến vào ốc đảo của trái tim Người. Ở đó, Người sẽ nuôi dưỡng ta bằng bánh thơm rượu nồng, sẽ bổ sức để ta có thể chia sớt nỗi cô đơn của tha nhân và dẫn đưa họ về với Người.

    Có một nỗi cô đơn khác không đến từ Thiên Chúa nhưng từ kẻ chống đối Người. Nó thường khởi đầu với những lời như:"Tôi nè, chính tôi đây, tôi thế này thế nọ, tôi muốn này muốn kia, ..." vân vân và vân vân. Khi thấy ai đó dành cả tiếng đồng hồ chỉ để nói về họ, thì cha hãy thành khẩn cầu nguyện cho họ, cha hãy xin cho họ đừng nói về mình nữa, đừng suốt ngày tôi này tôi nọ nữa. Bởi vì, nỗi cô đơn kinh khủng nhất của một người là anh ta chỉ nhìn thấy mình, chỉ biết ca ngợi bản thân mình. Con gọi đó là sự cô đơn của những tấm gương. Thật vậy, khi ở một mình trong một căn phòng gương đóng kín, dù có di chuyển đến đâu, ta cũng chỉ nhìn thấy bản thân, nếu tình trạng ấy không thay đổi, ta sẽ ức chế đến phát điên lên. Đó là nỗi cô đơn khủng khiếp đến từ ma quỷ, dù cho nó cũng chỉ mong manh dễ vỡ như những tấm gương.

    Một viên đá nhỏ cũng đủ sức làm cho những nỗi cô đơn ấy vỡ vụn. Thậm chí một đứa trẻ cũng đủ sức phá nát chúng. Nếu một ngày, có ai đó đột nhiên cảm thấy những nỗ lực quy về mình và những quan điểm của bản thân đều trở nên vô nghĩa, thì đó là lúc cha có thể nghe thấy tiếng những tấm gương đang rạn nứt tư bề. Một rào cản siêu hình mở ra giữa Thiên Chúa và con người.

    Cũng có một nỗi cô đơn "lập lờ" ở giữa tôi và Thiên Chúa và tôi phải chiến đấu với nó để đến được nơi mà Người gọi tôi. Tôi được gọi để sẻ chia sự cô đơn của tha nhân hầu giúp họ từ vụn vỡ thành lành lặn và hướng những vẻ mặt đang cô đơn ấy nhìn về Thiên Chúa.

    Gánh của Chúa đang đè nặng chúng ta. Cho nên chúng ta muốn lẩn tránh. Nhưng ách của Chúa thì vừa nhẹ nhàng vừa nặng trĩu. Sở dĩ ta cảm thấy nặng vì Người cho phép ta được chia sẻ thập giá với Người. Như Thánh Phaolo đã nói: "Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh". Cl1,24.

    Ai là người muốn tô điểm cho những cực hình của Đức Kito? Ai muốn bước đi trong sự cô đơn của Đàng Thánh Giá? Của đồi Gôtha? Của Vườn Dầu? Và trong nỗi cô đơn của cuộc đời Người, khi chẳng có môn đệ nào hiểu mình? Ai là người muốn đảm nhận những điều đó?

    Thực tế thì, khi phải đối diện với cô đơn, chúng ta cứ chạy toáng cả lên, cứ tìm đủ mọi cách để thoát khỏi con quái vật ấy mà không chịu nhận ra rằng một khi đón nhận nó chúng ta sẽ biết Thiên Chúa yêu chúng ta nhường nào và ta cũng sẽ học được nhiều điều khác nữa. Cái chết trên thập giá chưa đủ để chứng mình tình yêu mà Người dành cho chúng ta hay sao?

    Vậy, khi nào thì chúng ta mới nhận ra rằng một khi tiến vào trong sự cô đơn của Người, ta sẽ tìm thấy hạnh phúc? Ở đó, Người sẽ ôm lấy cha, sẽ an ủi cha bằng cách mời gọi cha chấp nhận bị đóng đinh ở cạnh Người. Nếu đồng ý, cha sẽ hiểu được hạnh phúc là gì vì thập giá chính là chiếc giường hôn lễ Đức Kito.

    Tình yêu đích thực thì dám đi qua cánh cổng của sự cô đơn, của hiến trao tất cả, của quên đi chính mình, của việc chỉ nghĩ cho người khác và luôn nhớ rằng người anh em là mạng sống của mình, bởi lẽ họ là chính Chúa. "Bất cứ điều gì các ngươi làm cho những người anh em bé nhỏ này là các ngươi đã làm cho chính ta" (Mt 25,40).

    Khi cha chấp nhận bước qua những cánh cổng ấy, khi cha niềm nở mở rộng không chỉ cửa nhà nhưng cả cánh cửa tâm hồn mình, khi cha chấp nhận ở lại trong nỗi cô đơn ấy, thì cha sẽ biết hạnh phúc là gì.

    Sự cô đơn mà Thiên Chúa mời gọi ta tiến vào là một sự cô đơn mang chiều kích sáng tạo. Các linh mục rất cần ghi khắc điều này bởi lẽ theo cái nhìn của con người thì các ngài chính là những người cô đơn nhất trái đất này. Các ngài vừa phải bước đi trong đêm tối đức tin vừa phải tương trợ và chăm lo cho mọi người từng chút một.

    Tất cả chúng ta được mời gọi đón nhận nỗi cô đơn của Thiên Chúa, dù ta còn độc thân hay đã kết hôn, còn trẻ hay đã già. Nó là một cái gì đó rất khác. Không một ai yêu mến Thiên Chúa mà không phải trải qua sự cô đơn ấy. Bởi lẽ, nó là một trong những cách thế thẳm sâu nhất mà Thiên Chúa dùng để mời gọi một ai đó trở nên thực sự giống Người, một Thợ Phục Chế đầy sáng tạo, người mang lại cho các băng hữu của mình một đời sống mới mẻ và tươi đẹp.

    Tất cả chúng ta đang đói khát điều gì vậy? Ngày nay chẳng còn mấy ai thích nhắc đến từ này nữa, nhưng chúng ta hãy sử dụng nó: sự thánh thiện. Đó là thứ chúng ta đang đói khát. Vậy thánh thiện là gì? Đó chính là hoàn toàn quên mình vì tha nhân. Từ sâu thẳm tâm hồn mình, ai cũng muốn được thánh thiện cả.

    Nhưng con đường dẫn đến sự thánh thiện lại là sự cô đơn.

    Khi bước đi cùng Thiên Chúa, Người mời gọi chúng ta đón nhận sự cô đơn. Người sẽ nói: "Ừ, con có thể cậy nhờ người khác nhưng trước hết hãy tìm đến Ta. Hãy bám chặt lấy Ta. Ta sẽ cho con mọi thứ con cần, vì ta là Chủ vạn vật. Ta sẽ canh tân và tái tạo con, rồi con sẽ có một đôi mắt mới, một đôi tai mới. Con sẽ nên mới vì nghe thấy tiếng ta và tiếng của những kẻ mà ta đã hiến mạng cho. Con sẽ nhìn thấu cõi lòng họ và sẽ đem họ về cho Ta".

    Hành trình chiến thắng sự cô đơn là hành trình đi vào trong. Và những ai được mời gọi yêu như Chúa yêu phải sẵn sàng bước đi trên hành trình đó cùng với anh chị em mình.

    Cha thân mến, con muốn được chia sẻ nỗi cô đơn của cha. Bởi vì cô đơn chính là lý do khiến cha phân vân và bất an, nhất là khi tuổi đời linh mục ngày một tăng. Vâng, cô đơn là của cha nhưng cha đừng quên rằng mình đanh chung chia nỗi cô đơn ấy với Đức Kito và với Ba Ngôi. Các Tông đồ đã thiếp đi trong Vườn Dầu khi Người yêu cầu họ hãy canh thức. Nhưng Đức Kito thì không bao giờ ngủ. Người luôn ở bên cha và sớt chia với cha sự cô đơn ấy.

    Vâng, cô đơn có thể sẽ theo cha suốt cuộc đời, nhưng nhạc khúc của Ba Ngôi sẽ vang vọng mãi trong trái tim cha và cha có thể nhảy mừng với giai điệu ấy. Rồi một niềm vui khôn tả sẽ phủ lấp muôn vàn nỗi cô đơn.

    Nỗi cô đơn được thông phần với Đức Kito và ý thức rõ lý do mình chia sớt sẽ hoá thành niềm vui. Và niềm vui này thấu tận con tim người linh mục. Nó sẽ ở lại đó mãi mãi. Nó sẽ như một con suối đang tưới đẫm những sa mạc khô cằn trong lòng mỗi người, nhất là trong trái tim người linh mục.

    Catherine Doherty, một nữ giáo dân.

    PHƯƠNG NGUYỄN Dịch

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 nhận xét:

    Post a Comment

    Item Reviewed: CHA THÂN MẾN- Chương V Rating: 5 Reviewed By: GIA ĐÌNH ƠN GỌI
    Scroll to Top