• Latest News

    Monday, August 23, 2021

    CHA THÂN MẾN -Chương IV

     



    IV. HY TẾ CỦA TÌNH YÊU

    "Trái tim linh mục là chén đong đầy lòng trắc ẩn, là chén thánh của tình yêu".

    Cha thân mến,

    Cha là dấu chỉ của tình yêu cũng như của niềm vui và hy vọng. Với con, định nghĩa của Thánh Phaolo là định nghĩa hay nhất về tình yêu mà mình từng biết đến. Ngài đã bắt đầu rất đơn sơ bằng cách nói thứ bậc quan trọng của các đặc sủng thiêng liêng. Và, khi bàn về đức ái, ngài nói: " trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây, tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả". Thánh nhân đã tách khỏi đức ái mọi thứ không thuộc về Thiên Chúa, ngài đã trả lại cho nó sự tinh tuyền vốn có và thánh hoá nó. Đức ái được nâng lên một thứ bậc khác.

    "Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng". Điều này nghiệm đúng với người Kito hữu chúng ta ra sao? Và nó có hay xảy đến với cha không, thưa cha? Cha đã giảng biết bao nhiêu bài hùng hồn với những câu từ được chăm chút tỉ mỉ, vậy tại sao dân chúng vẫn chẳng muốn tìm đến với cha như khi xưa họ đã chạy đến vây quanh Đức Kito? Thay vào đó, người ta chỉ lướt qua và miễn cưỡng đáp lại cho phải phép lịch sự " Thưa cha, thật là một bài giảng hấp dẫn. Hay lắm cha ạ!" Nhưng chỉ có thế thôi, nói xong họ vội bỏ đi đầy ủ rũ. Tại sao vậy?

    "Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm ..." Cha có thể tưởng tượng mình cũng đang sở hữu những đặc ân như chữa lành, nói tiên tri, biết phân định, và dĩ nhiên, bảy ơn Chúa Thánh Thần không? Nhưng nếu cha dùng những ân huệ ấy mà không có đức mến thì như Thánh Phaolo nói "... tôi cũng chẳng là gì".

    Những lời ấy thật mạnh mẽ. Rất nhiều người trong chúng ta đã sử dụng những ơn huệ của Thánh Thần để làm cho mình nổi bật hơn so với người khác, để củng cố thêm cho cái tôi vinh quang của mình mà thôi. Mọi thứ còn thậm tệ hơn khi chúng ta, những kẻ vốn được ban cho những đặc ân ấy để dẫn đưa mọi người đến cùng Thiên Chúa, lại vơ lấy cho riêng mình và cách nào đó còn ra vẻ ta đây rồi tự mãn mà cho mình cái quyền sở hữu chúng. Dĩ nhiên, Thánh Phaolo đã đúng khi bảo: chúng ta chẳng là gì cả!

    "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi". Những lời này thật mạnh mẽ, phải không cha?

    Tình yêu hay "lòng bác ái" theo cách nói của Thánh Phaolo, trong mọi cấp độ của nó, là cốt lõi cho sự hiện hữu của cha, bởi lẽ một khi Thiên Chúa ở cùng cha thì Tình yêu cũng tự khắc ở đó, trong trái tim cha. Cha đã không chỉ được thụ phong trong tác vụ của Người nhưng còn trong chính Người, Người với cha là một - do đó, cha phải là người trao ban tình yêu.

    Cha phải làm cho tình yêu lan tràn khắp nơi vì từng giờ, từng phút, từng giây, cha đã được đắm chìm trong tình yêu khôn dò khôn thấu của Đức Kito. Cha phải trao ban thứ tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng con, một tình yêu được tỏ lộ nơi mầu nhiệm nhập thể, nơi cuộc khổ nạn và trên thập tự. Đó chính là tình yêu của cha. Cha đã sở đắc nó và cha không được phép giữ lấy cho riêng mình một giây phút nào cả mà phải rộng lượng trao ban. Rồi tình yêu ấy sẽ trở lại với cha từ chính Nguồn Mạch mà nó đã tuôn tràn trong ngày cha được thụ phong. Vậy nên, tình yêu là thứ mà cha phải trao ban hoài thôi...

    Song, chúng ta hãy đi xa hơn một chút. " Đức mến thì luôn nhẫn nhục và hiền hậu". Con nhớ lại những năm sáu mươi về trước, thời ấy xuất hiện rất nhiều những bức tranh bôi bác và những tấm hình biếm họa về các đấng bậc trong Hội Thánh, kể cả giáo hoàng; người ta mua vui bằng những chuyện không vui chút nào. Sự thánh thiêng không thể bị giản lược thành những thứ trần tục được. Thời nào cũng thế!

    "Đức mến thì luôn nhẫn nhục và hiền hậu". Liệu con có thể xét mình và vỗ ngực tự hào rằng mình là người luôn kiên nhẫn và đối xử hiền hậu với bề trên, với anh chị em, với kẻ dưới quyền, với người nghèo khổ, kẻ thấp kém và với tất cả mọi người hay không? Ấy thế mà, cha thân mến, Thiên Chúa đã luôn kiễn nhẫn với chúng ta, một sự nhẫn nhục vô tận. Có thể cha sẽ cổ võ, sẽ lôi kéo, và sẽ giải thích về Người bằng những suy tư thần học của mình, hay cha cũng có thể trình bày về Người qua các suy tư thần học khác. Nhưng có cần thiết không? Tại sao lại phải cần đến nhiều thứ thần học như thế? Phải chăng vì lòng mến đã cạn? Tất cả những gì cha cần làm là quay về với Thiên Chúa và xin được yêu một lần nữa. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, dù cha có làm tổn thương người ra sao, Người sẽ phục hồi mối tình liên kết giữa cha và Người, ngay tức khắc.

    " Đức mến thì không thô lỗ, không ích kỷ và không làm điều bất chính". Ấy thế mà chúng ta đã đối xử với toàn thể Hội Thánh thật tệ bạc phải không ạ? Dẫu biết làm vậy là nghiêng chiều về tội lỗi, nhưng chúng ta vẫn cứ vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra, chẳng phải thế sao? Chúng ta cứ nghĩ mình hay ho, cứ cho đó là tốt vì thấy mình đang đứng trong hàng ngũ những kẻ còn đang cười. Nhưng cha có để ý không, trong khi chúng ta vui cười thì có những người đang lặng lẽ khóc? Cha có thấy những giọt nước mắt của họ không? Chúng được chôn giấu trong lòng họ. Còn cha, với ơn phân định của mình, có thể cha đã chúc lành cho những kẻ đang nhạo báng Thiên Chúa và đang cười cợt những thừa tác viên của Người đấy ạ. Không ai được phép xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng rất nhiều người trong chúng ta đã quên mất điều đó.

    " Đức mến thì không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật". "Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả". Những lời này rất quan trọng, vậy chúng ta hãy đọc lại một lần nữa. " Đức mến thì không mừng khi thấy sự gian ác...". Người sống đức ái thì không chỉ tay chì chiết người khác nhưng tự chỉ vào mình. Theo lẽ tự nhiên, ai biết yêu thương ắt đều vui mừng khi thấy điều chân thật vì họ luôn nghĩ và nói sự thật. Họ cũng là người biết mình là ai và Thiên Chúa là Đấng nào, một Đấng luôn sẵn sàng tha thứ.

    Là linh mục, cha thường gặp những đứa con hoang đàng trở về với Cha của chúng. Thật vậy, trong bí tích giao hoà, nhân danh Chúa Giêsu, cha tha thứ và xoá bỏ mọi lỗi lầm được xưng thú. Vậy cha tha tội cho con - Ego te absolvo... Không phải cha nhưng Thiên Chúa mới là Đấng tha thứ tội lỗi, nhưng qua cha sự tha thứ của Người không ngừng đến với chúng con hết lần này đến lần khác. Vậy, nếu ơn tha thứ ấy đến với các hối nhân thì liệu dưới chân Đức Kito, cha có phải là một hối nhân không? Con tin rằng cha cũng là một hối nhân luôn được tha thứ vì yêu là thế. Khi người ta yêu, họ sẵn sàng tha thứ, tha thứ hoài thôi...

    "Đức mến hy vọng tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả". Dĩ nhiên yêu thì phải tin tưởng. Trên hết, nếu đã yêu, chúng ta còn phải tin tưởng cả những điều không đáng tin vì một lý do rất đơn giản, cả cha và con đều đang được tin tưởng. Đang khi đó chúng ta rất không đáng tin, cha có nghĩ vậy không, thưa cha? Với tất cả những ân huệ và phúc lành đã lãnh nhận, chúng ta vẫn chẳng đáng tin, cha nhỉ? Nhưng nếu Thiên Chúa đã tin chúng ta thì chúng ta cũng phải tin tưởng người khác, đặc biệt là những kẻ không đáng tin.

    Chúng ta vẫn thường phàn nàn:" Đó, thấy chưa, tôi mới cho gã một đô la xong, vậy mà gã đã lại đến kèo nài". Đức Kito thì khác, Người bảo: "nếu có ai xin áo ngoài của anh, thì hãy cho họ cả áo trong nữa". Không phải cha thì sẽ chẳng có ai cho họ đâu. Vâng, họ có thể sẽ đem tấm áo đó đi bán kiếm vài đồng uống rượu, nhưng ai cũng biết say xỉn là một căn bệnh truyền nhiễm khó lành. Cha sẽ sẵn sàng tặng tấm áo đó cho một người đang đau ốm chứ ạ?

    Thánh Phaolo còn nói với chúng ta rằng, dẫu tôi có sẵn sàng hy sinh thân xác để bị thiêu đốt mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng khác nào tiếng cồng trống rỗng, chẳng có Thiên Chúa ở đó. Đức mến có thể làm cho những cử chỉ nhỏ bé trở nên xinh đẹp và thánh thiện. Chia sẻ một que diêm, tâm sự một nỗi niềm, mở lòng với tha nhân, chia sớt một căn phòng, bố thí với lòng mến, tất cả đều trở thành một phần hành động của Đức Kito. Và khi đó, ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra với người mà cha đã tặng một tấm áo, một đồng đô la hay một que diêm. Không. Chẳng ai biết cả, ngoài Chúa.

    Thế là đã rõ, dù chúng ta là giáo dân, linh mục, giám mục, kẻ ăn mày, hay cô gái điếm, thì Thiên Chúa cũng chỉ yêu cầu chúng ta có một điều là chúng ta hãy yêu thương nhau. Bởi vì yêu thương nhau là yêu mến Chúa. Như vậy, điều mà một linh mục cần quan tâm nhất phải là, ngài đã yêu đến đâu.

    Thánh Phaolo tiếp tục "Ơn nói tiên tri cũng chỉ nhất thời, ơn nói tiếng lạ có ngày sẽ hết, ơn hiểu biết rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi".

    Mọi đặc sủng của Thánh Thần đều có ngần có hạn. Chỉ có tình yêu là tồn tại mãi. Con hy vọng cha sẽ ra trình diện trước mặt Chúa trong tấm áo của tình yêu. Nó sẽ là tấm áo điều mềm mại, đẹp xinh và lấp lánh ánh mặt trời.

    Đời linh mục của cha là một đời yêu thương cha ạ. Và đó là tình yêu mà con đang muốn nói ở đây, tình yêu theo mô tả của Thánh Phaolo, một tình yêu dễ dàng đánh bại thứ tình yêu trần tục. Sở dĩ tình yêu đó có thể làm được như vậy là bởi vì cha đã được cảm nếm tình yêu của Chúa Cha. Cha đã được đắm mình vào đại dương tình ái khi được thụ phong. Đó chính là bí mật của đức khiết tịnh thưa cha. Khả năng yêu như Đức Kito đã yêu chính là bí mật của đức khiết tịnh.

    Xin cha hãy khắc ghi điều đó mỗi khi những cơn cám dỗ chống lại đức ái ập đến, bản chất của những cơn cám dỗ là chống lại Tình Yêu tuyệt đối mà cha đã được dìm vào trong ngày thụ phong. Cha chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của đức khiết tịnh khi đặt mình vào bối cảnh đó mà thôi. Vì nếu không có nó thì sẽ chẳng có lời khấn hứa khiết tịnh nào cả.

    Cha đã khoác trên mình tấm áo choàng đỏ thẫm của tình yêu Thiên Chúa. Nó đỏ thẫm bởi vì Người đã chết cho cha và con, nhưng nhất là cho cha, ta hoàn toàn có thể nói như vậy. Tấm áo ấy bao phủ cha như một lớp da khác. Nhờ đó cha có thể bình an tiến bước trên nẻo đường đã được Thiên Chúa dọn sẵn. Con vẫn tưởng nghĩ, thứ bình an lạ lùng ấy sẽ đến với một linh mục khi ngài chiêm ngắm những gì mà bí tích truyền chức thánh đã ban tặng cho mình.

    Vâng, cha là dấu chỉ của niềm hy vọng tại bất cứ nơi nào cha đặt chân đến, nhưng khi sống khiết tịnh, cha sẽ nâng những người khác lên một tầm cao mới. Và người ta sẽ bắt đầu thực sự hiểu được thánh thiện nghĩa là gì và sau tất cả, họ sẽ biết vì sao tất cả chúng ta phải được dìm trong cái chết và sự phục sinh của Đức Kito, tại sao? Thưa, để trở nên thánh thiện. Tất cả chúng ta đều phải nên thánh khi nhìn vào Đức Kito, Đấng là Đầu. Nhưng nhất là cha, cha càng phải nên thánh khi bước đi trong tấm áo choàng đỏ thẫm được Người ban tặng trong ngày chịu chức, ở cái thuở thanh xuân ấy. Để rồi, giờ đây, chúng con có thể chạm vào nó mà được nên trong trắng theo bậc sống của mình. Nhờ đó, chúng con cũng có thể nhìn lại đức khiết tịnh mà mình đã đành tâm vứt bỏ như thể một tấm giẻ rách cũ mèm. Cha thân mến, đức khiết tịnh của cha và của tha nhân là những sợi chỉ ngang dọc dệt nên sự thánh thiện đấy ạ.

    Khi nghĩ về đức khiết tịnh và đức ái, con chợt nhận ra còn có hai nhân đức khác cũng rất quan trọng, đó là tình trắc ẩn và lòng thương xót. Dĩ nhiên cả hai nhân đức này đều khởi đi từ đức ái. Con bắt đầu suy niệm về chúng.

    Không biết theo cha, về mặt thần học, điều này có đúng không, nhưng với con, nhân đức là sự tỏ lộ của một quả tim biết yêu thương.

    Con phải thừa nhận rằng tình trắc ẩn và lòng thương xót được quyện rất chặt với nhau trong trái tim mình, hệt như cặp song sinh Siamese vậy. Khi suy tư về chúng, ngay lập tức con nghĩ đến Thiên Chúa, vì chẳng phải Người là Đấng Toàn Thương và Toàn Ái đó sao?

    Con đã khám phá ra vài điều mới mẻ. Thật vậy, trước đây con đã không biết rằng trái tim mình có thể đủ chỗ cho một đại dương lòng thương xót. Một con suối hay một dòng sông nhỏ thì còn được, chứ cả một đại dương thì không thể nào. Không thể có chuyện đó được! Nhưng giờ đây, con đã nhận ra mình có thể làm được điều đó.

    Một đêm nọ, khi đang cầu nguyện, bỗng dưng con thấy một vách tường của căn phòng nhỏ của mình biến mất - chắc là do mơ ngủ. Nhưng dù sao đi nữa, cảnh tượng ấy cũng trôi qua, và căn phòng của con chợt đầy ắp các linh mục. Con có thể nhận ra các ngài đang rất hoang mang và đau đớn, một nỗi đau ẩn sâu bên trong. Có vị đang chờ để được hồi tục, vị khác thì đợi để được kết hôn, số khác thì đang tính đến chuyện ly dị, vài vị nữa thì vẫn ở lại với ơn gọi nhưng rất đỗi mệt mỏi, rất đỗi kiệt sức.

    Khi đó, từ tận sâu tâm trí, con tim và linh hồn mình, con không hề có một ý muốn nào để lên án các linh mục ấy vì đức tin yếu kém, vì sự yếu đuối hay thiếu trưởng thành của họ. Phút chốc ấy, tâm hồn con ngập tràn tình thương và lòng trắc ẩn. Con đã chỉ muốn được giang tay ôm lấy các ngài như người mẹ hay một người chị lớn vẫn làm. Con đã muốn an ủi các ngài và cho các ngài biết con yêu mến chức tư tế của các ngài biết bao, một chức tư tế thuộc về chức tư tế duy nhất của Đức Kito. Con đã muốn cho các ngài biết con và tất cả chúng con, những giáo dân, rất cần đến các ngài. Nhưng ngay cả khi chúng con không còn cần đến các linh mục đi nữa thì tình yêu và lòng thương xót ấy vẫn phủ lấy con.

    Con ước gì mình có thể nói, có thể viết hay làm cách nào đó để cho mọi linh mục, những vị đang quằn quại trong sự nghi ngại, trong cơn đau đớn, trong những giằng xé nội tâm và trong sự yếu đuối của mình, biết rằng các ngài không cô đơn. Rằng, ở một xó xỉnh xa xăm nơi miền quê hẻo lánh của Canada này, vẫn còn một người phụ nữ rất yêu mến các linh mục. Bà yêu thương các ngài bằng một tình yêu mà ngay cả bà cũng không hiểu nổi sao mình có thể yêu được như thế, tình yêu đó vượt khỏi trí hiểu của bà. Song dù không hiểu, trái tim bà vẫn là cả một đại dương của tình thương và lòng trắc ẩn dành cho các linh mục.

    Con ước gì mình có thể viết và nói với mọi linh mục rằng con muốn được chia sẻ nỗi đau với các ngài, bất kể đó là nỗi đau nào, bởi vì con yêu mến các linh mục. Các cha là cha của con và là anh em của con, các cha sẽ không bao giờ cô đơn và không bao giờ bị quên lãng. Nhưng con không thể làm được, con không thể viết cho mọi linh mục được. Con chỉ có thể lặp lại rằng cánh cửa của cộng đoàn gia đình Madona House luôn rộng mở với các cha. Chúng con có một mái nhà đơn sơ, khiêm tốn dành cho các linh mục. Ở đó có những pousitina - những căn phòng nhỏ ấm cúng để một người có thể được ở riêng với Thiên Chúa, có thể nghỉ lại với Người hay nếu cần, đó cũng có thể là nơi tái khám phá kinh nghiệm cầu nguyện, để học lại cách cầu nguyện.

    Linh mục là người được Chúa tách riêng đến hai lần. Người đã gọi tên cha đến hai lần, một trong ngày rửa tội và một trong lễ thụ phong, khi cha được gọi tiến lên để trở thành một Kito khác. Người đã yêu cầu cha trỗi dậy mà tiến vào những hố sâu, những vực thẳm, những địa ngục trần gian và trung thành ở lại đó cho đến chết, để chết cho tính xác thịt, chết cho sự phù hoa giả tạo và cho mọi thứ vinh quang trần thế, cho mọi thứ quý giá mà con người bịn rịn.

    Vâng, Đức Kito mời gọi cha tiến vào những nơi như thế, những nơi mà chẳng mấy ai biết đến danh Người, danh Đấng tuyệt mĩ, Đấng chữa lành và nhân hậu. Nơi đó, cha sẽ tìm thấy Đức Maria, Đấng đã luôn ở trong chốn địa ngục trần gian, trong những nơi giam hãm con người, vì chưng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ nhân loại.

    Mẹ sẽ chỉ cho cha thấy căn nhà yêu thương mà cha phải cư ngụ. Ngôi nhà ấy có thể sẽ không giống những chốn lý tưởng mà con người vẫn hy vọng. Nó có thể chỉ là một chiếc chòi tre, một cái ghe nhỏ, một căn lều tuyết, một lán sa mạc hay một căn nhà xứ trắng tinh thanh bình. Tất cả đều không quan trọng. Miễn sao chúng là mái nhà yêu thương của Mẹ, nơi cha sẽ ở lại.

    Các linh mục của Mẹ sẽ bắt đầu cuộc đời mình như là hy tế thay cho các anh em linh mục lạc lối khác, những người không muốn về Bê lem và Nazareth, cũng chẳng dám vào vườn Gersemani hay lên Núi Sọ. Các ngài sẽ là tế vật hy sinh cho các anh em linh mục khác vốn thích chọn một lối sống dễ dãi với nụ cười giả tạo và những lời lẽ thánh thiện thốt ra từ đôi môi xảo trá, rồi dùng những đồng xu của các bà goá mà sắm sửa cho mình những tiện nghi như chiếc TV hay bộ đồ chơi golf mới toanh, những người buông mình trên những chuyến hành hương xa xỉ.

    Các linh mục của Mẹ sẽ là hy tế cho mọi anh em linh mục khác vốn đang e sợ con người thay vì kính sợ Thiên Chúa, cho những vị đang say sưa với thế sự phù hoa, với quyền lực trần thế rồi ra vẻ diễu võ giương oai. Hy tế của các ngài sẽ là một hy tế toàn thiêu, dâng trọn vẹn không để lại gì.

    Vâng, các ngài sẽ trở thành hy tế và tế phẩm như Con của Mẹ. Một cách nồng say, tuyệt đối và đằm thắm, các ngài sẽ dâng hiến đời mình làm lễ vật toàn thiêu, một lễ tế của tình yêu. Vì chỉ có như thế, các ngài mới trở nên những con người của bình an và mới đem được bình an của mình vào những chốn địa ngục trần thế. Thật vậy, không ai có thể hay dám tước mất bình an ấy khỏi những người mà các ngài đã trao tặng với tất cả con người mình.

    Nhưng hy tế có nghĩa là chết, các ngài sẽ phải chết đi. Các ngài phải mang lấy cái chết từ từ và đau đớn của thập hình, như Đức Kito đã chết cho các ngài. Và rồi, những con người được Đức Kito tách riêng ra ấy sẽ được gọi là các linh mục của tình yêu, của lòng thương xót và tình trắc ẩn...

    Catherine Doherty, một nữ giáo dân.

     PHƯƠNG NGUYỄN Dịch

     

     

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 nhận xét:

    Post a Comment

    Item Reviewed: CHA THÂN MẾN -Chương IV Rating: 5 Reviewed By: GIA ĐÌNH ƠN GỌI
    Scroll to Top